Vận tải phục hồi và tăng trưởng

P.Vân 14/01/2023 07:00

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.

Vận tải hành khách ngành đường sắt đang dần hồi phục.

Cụ thể, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ hành khách, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vận chuyển hành khách 12 tháng lĩnh vực hàng không tăng 224,6%; đường biển tăng 56,7%; đường sắt tăng 205,6%; đường bộ tăng 51,6%; đường thủy tăng 52,9%.

Theo ông Huy, hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, đáng chú ý là vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Tuy nhiên năm 2022, hoạt động vận tải vẫn còn có tồn tại hạn chế như: Tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động; xe dù, bến cóc có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; Tình trạng ùn tắc tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và tuyến phố lân cận do nhu cầu đi bằng đường hàng không tăng cao, hạ tầng cảng thì còn hạn chế...

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có 35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Nguyên nhân ùn tắc giao thông là do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khi số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đảm bảo giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%. Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được <1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm. Theo ông Tuấn, để giải quyết ùn tắc giao thông, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp trọng tâm.

Về nguyên vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam, cụ thể là tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (khởi công trong giai đoạn 2022 - 2025) lên tới 40 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 17 triệu m3, năm 2024 - 2025 cần khoảng 23 triệu m3. Ước tính, tổng nhu cầu cát đắp tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua khu vực ĐBSCL là hơn 18 triệu m3. Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực ĐBSCL đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” để đánh giá tài nguyên cát biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8/2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12/2023. Cuối năm 2023 sẽ công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận tải phục hồi và tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO