Lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh sau hơn 1 năm vận hành cho thấy những tín hiệu tích cực đối với loại hình vận tải công cộng mới tại Hà Nội. Dự kiến, dịch vụ xe đạp công cộng với mục đích hỗ trợ điểm đầu, điểm cuối hoạt động của xe buýt, metro, phù hợp di chuyển 3 - 5 km so với phương tiện cá nhân sẽ được triển khai tại Hà Nội từ tháng 1/2023.
Thời gian qua, nỗ lực phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội nhằm kéo giảm ùn tắc đã có những kết quả nhất định. Trong đó, tàu điện trên cao đã có nhiều tín hiệu tích cực. Thông tin từ Hà Nội Metro, kịch bản khai thác 3 năm đầu, sản lượng 10 - 15 triệu hành khách/năm. Sau 1/9/2022, khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, lượng hành khách tăng rất nhanh. Hà Nội Metro chuyển sang biểu đồ chạy tàu mới, thay vì chạy 6 đoàn thì nay chạy 9 đoàn tàu. Giờ cao điểm là 6 phút/chuyến; bình thường là 10 phút/chuyến. Đến nay, đạt hơn 900.000 hành khách/tháng. Dự kiến, một năm đạt được 10 -12 triệu hành khách.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho biết: Sau hơn 1 năm hoạt động, người dân đã cảm nhận được tính ưu việt của đường sắt đô thị. Dù vậy, để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, chúng ta phải hình thành hệ thống phương tiện công cộng liên thông cả về thời gian, địa điểm, giá vé. Một tuyến đướng sắt đô thị chưa giải quyết được nhiều vấn đề. Nhưng "vạn sự khởi đầu nan", việc thành công của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bước đầu sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các tuyến đường sắt tiếp theo tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn của Việt Nam. Không chỉ những người bình thường người yếu thế, người khuyết tật đều có thể tiếp cận được phương tiện đường sắt công cộng.
Với hoạt động của phương tiện xe buýt, phương tiện được xem là “xương sống” trong hệ thống vận tải công cộng, Hà Nội cũng đã có rất nhiều hỗ trợ để phát triển loại hình vận tải công cộng này như: đổi mới hệ thống trạm dừng, nhà chờ, chính sách xã hội hoá xe buýt, hỗ trợ cho học sinh sinh viên, người cao tuổi... Dù vậy, sản lượng hành khách bình quân/lượt năm 2022 ước đạt 32,2 hành khách/lượt (chưa bao gồm khách miễn phí), cao hơn so với năm 2020 là 28,4 hành khách/lượt, tăng 13,4%. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng năm 2022 dự kiến ở mức 18,5% (khách hàng ban đầu dự kiến là từ 21,5 - 23%). Con số thống kê cho thấy, thực tế người dân vẫn chưa mặn mà với xe buýt.
Nêu nguyên nhân khiến xe buýt chưa thực sự đắt khách, theo bà Trần Thị Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội: Về mạng lưới tuyến kết cấu mạng lưới chưa mạch lạc, chưa phân cấp hợp lý. Bên cạnh đó mật độ của mạng lưới phân bố không đều, mức độ bao phủ tại khu vực nội thành cao trong khi các khu đô thị mới (nằm ngoài khu vực vành đai 3), các huyện ngoại thành vẫn còn thấp. Tính đến tháng 12/2022 vẫn còn 67 xã (chiếm 11,6%) chưa có xe buýt trợ giá tiếp cận. Khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các khu đô thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí vẫn còn hạn chế, đặc biệt các khu đô thị mới mở (nằm ngoài vành đai 3).
Về hạ tầng xe buýt, đất dành cho cơ sở hạ tầng xe buýt còn thiếu và không đảm bảo điều kiện khai thác. Hệ thống hạ tầng xe buýt hiện còn bất cập, chưa tạo được điểm nhấn về mỹ quan đô thị, chưa có hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn và quy chuẩn về quản lý, chưa được thiết kế đồng nhất. Trong tổng số 4.405 điểm dừng, hiện chỉ có 351 nhà chờ (chiếm 7,9%). Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Theo số liệu thống kê, tốc độ khai thác bình quân của xe buýt ở Hà Nội hiện chỉ đạt 22,1 km/giờ, riêng đối với các tuyến buýt khu vực nội thành, tốc độ khai thác bình quân chỉ là 16,6 km/giờ (ngoại thành là 26,8 km/giờ). Đặc biệt, trong khung giờ cao điểm, tốc độ khai thác của nhóm tuyến này chỉ đạt 12,7 km/giờ, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của xe máy (25 km/giờ).
Nhằm hỗ trợ hoạt động của xe buýt, metro, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành trong 12 tháng, và trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè nhưng có thu phí sử dụng dịch vụ.
Theo ông Đỗ Bá Quân - Phó tổng giám đốc Công ty Trí Nam, năm 2020, đơn vị này đã xin chủ trương của Hà Nội. Còn tại TPHCM, dịch vụ xe đạp công cộng đã được khai trương vào cuối năm 2021. “Chúng tôi kinh doanh dịch vụ xe đạp công cộng có thu phí với mức phí 5.000 đồng/30 phút. Hoạt động này có mục đích hỗ trợ điểm đầu, điểm cuối như hoạt động của xe buýt, metro, phù hợp di chuyển 3 - 5 km so với phương tiện cá nhân. Sau khi nhận được bàn giao mặt bằng của các quận ở Hà Nội, chúng tôi sẽ làm trước các trạm và cố gắng triển khai vào Tết Nguyên đán, trong tháng 1/2023”, ông Quân nói.
Để các phương thức vận tải công cộng cả cũ lẫn mới tại thủ đô như xe buýt, đường sắt đô thị... phát huy hết công suất, hiệu năng vận hành, giới chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.