Một trong những giải pháp gỡ khó cho ùn tắc và ô nhiễm giao thông tại Hà Nội - thành phố có hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu phương tiện cá nhân là vận hành mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Nhưng đến nay loại hình này mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại của người dân. Để người dân tiếp cận gần hơn vận tải công cộng là vấn đề đặt ra trong việc hình thành một đô thị hiện đại, văn minh như Hà Nội.
Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội vừa thông tin, mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội hiện nay có 154 tuyến với 132 tuyến trợ giá, hệ thống vận tải đã phổ cập đến tất cả quận, huyện. Trong 9 tháng năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ… Như vậy, có thể khẳng định, hệ thống vận tải công cộng trên địa bàn thành phố đã cơ bản phục hồi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với việc phục hồi, hệ thống vận tải công cộng ngày càng đa dạng về tuyến và loại hình phương tiện. Hiện Hà Nội đã bổ sung các tuyến xe buýt điện. Đồng thời, đang từng bước thay thế các phương tiện cũ. Thí điểm triển khai một số điểm sử dụng năng lượng mặt trời tại một số nhà chờ để người dân tra cứu kịp thời; xây dựng hệ thống vé thông minh, liên thông giữ xe buýt và tàu điện theo hướng có lợi cho người dân để khuyến khích người dân tham gia sử dụng vận tải công cộng.
Đáng chú ý, từ khi thực Nghị quyết 07, số người tham gia, sử dụng xe buýt từ 20.000 người lên đến 500.000 người như hiện nay, tương đương khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Chính sách nhân văn này nhận được sự đồng tình của người dân. Điều đó cũng lý giải tại sao, trợ giá cho xe buýt vẫn tăng dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng vận tải giảm.
Có thể thấy, vai trò của vận tải hành khách công cộng là “xương sống” của hạ tầng đô thị, cùng với xe buýt, đường sắt đô thị cũng đang khẳng định vị thế. Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro bày tỏ: Đến hết ngày 4/10 chúng tôi đã vận hành được 333 ngày an toàn. Tuyến Cát Linh-Hà Đông đã thể hiện được tính ưu việt mang tính tự nhiên của phương thức vận tải Metro. Bởi vậy nó đã thu hút được hành khách sử dụng. Tính hết đến ngày 4/10 vận chuyển được 6.430.177 hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 sinh viên nhập học, khách tăng hơn so với tháng 9 là 15%, ngày 4/10 đã đạt được kỷ lục vận chuyển 31.537 hành khách.
Trong đó, 70% là những hành khách sử dụng thường xuyên bằng vé tháng đi học, đi làm. Lưu lượng giờ cao điểm hiện nay đạt 5-6 nghìn hành khách. “Việc đưa Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen của người dân, người dân đã chịu khó đi bộ 1- 2km để tiếp cận đến các nhà ga đường sắt. Từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại”, ông Trường khẳng đinh.
Để khắc phục được những hạn chế, nhằm hút khách sử dụng giao thông công cộng, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư, việc đầu tiên cần làm là phải phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển hạ tầng là chưa đủ mà cần có thêm nhiều giải pháp khác, và những giải pháp này phải có tính tích hợp với nhau.
Ông Dư đề xuất: TP Hà Nội cần có một trung tâm điều hành chung để kiểm soát đầy đủ các phương tiện giao thông thông công cộng. Làm thế nào cho hành khách khi sử dụng phương tiện gia thông công cộng một cách thuận lợi nhất. Nếu làm được điều đó thì tự nhiên người dân sẽ thích và đến với vận tải công cộng. Bởi sử dụng phương tiện vận tải công cộng vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân, mà lợi thế dễ nhận thất nhất là giá rẻ hơn rất nhiều. Đã rẻ rồi mà còn thuận tiện nữa thì ai mà không thích.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có thêm giải pháp tổ chức lại giao thông, cụ thể hơn là tổ chức các bãi đỗ xe, nhất là ở khu vực trung tâm để thuận tiện hơn cho người đi xe công cộng. Đây là giải pháp nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm và làm rất hiệu quả.
Ông Dư lấy ví dụ như ở Nhật Bản, số lượng phương tiện cá nhân của họ là rất lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân Nhật Bản sử dụng phương tiện công cộng vẫn rất lớn. Đơn giản vì giao thông công cộng vừa thuận tiện và vừa rẻ.
Nói về nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện mạng lưới hành khách công cộng, ông Hồ Thái Phương - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết: Chúng tôi đã và đang nâng cao chất lượng vận tải của xe buýt, đặc biệt là thái độ phục vụ của lái, phụ xe buýt… Song, cùng với sự thay đổi của đơn vị quản lý xe buýt, chúng tôi rất mong muốn người dân cũng chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà hệ thống vận tải xe buýt phải đối mặt. Mỗi người dân hãy là những hành khách có văn hóa, văn minh…
“Để nâng cao chất lượng vận tải công cộng của Hà Nội cần rất nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp quan trọng hiện nay là truyền thông để người dân thay đổi thói quen, sử dụng vận tải công cộng”, ông Phương nhấn mạnh.