Kể từ sau đợt dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động của ngành vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP HCM,...rơi vào tình trạng thua lỗ, ế ẩm. Trước tình trạng này, nhiều địa phương đã kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ.
Đây là các nội dung sẽ được thảo luận tại Hội thảo với chủ đề “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả” do báo Giao Thông, cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức tại TP HCM vào ngày mai (28/7).
Thông tin về hội thảo, Ban Tổ chức cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành vận tải hành khách công cộng cần cú hích để khôi phục và hoạt động hiệu quả. Tại hội thảo, đại diện các cơ quan sẽ lắng nghe các đại biểu trình bày tham luận về tổng quan vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên cả nước, thực trạng và những khó khăn đối với hoạt động VTHKCC, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Hội thảo cũng dành 2 phiên trao đổi với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy vận tải hành khách công cộng” và “Bỏ trợ giá xe buýt được không?” để các doanh nghiệp, chuyên gia góp ý, hiến kế giúp ngành chức năng có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng VTHKCC.
Toàn quốc hiện có 56/63 tỉnh thành đã tổ chức khai thác trên 700 tuyến buýt, trên11.000 phương tiện buýt các loại với tổng chiều dài các tuyến vận tải hành khách công cộng lên đến trên 23.000km.
Ở Hà Nội và TP HCM, mỗi năm ngân sách chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt bằng hình thức trợ giá từ nhà nước trực tiếp (tại Hà Nội là 114 tuyến và tại TP HCM có 101 tuyến có trợ giá). Các tỉnh thành phố còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến.
Mặc dù Trung tâm VTHKCC tại hai thành phố lớn đều có những giải pháp để cải thiện chất lượng, đổi mới phương tiện, thay đổi cung cách phục vụ của nhân viên… Tuy vậy, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm. Dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021 khiến hoạt động VTHKCC tại hai thành phố lớn bị ảnh hưởng nặng nề. Có doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội không cầm cự được phải ngừng 5 tuyến xe buýt.
Với thực trạng kể trên, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp kiến nghị, hiến kế, cũng như các đề xuất của đại diện các nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân để gửi đến Bộ GTVT tìm kiếm giải pháp nhằm định hướng nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là xe buýt, để vận tải công cộng phục vụ người dân tốt hơn, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường./.