Vay trả góp dịp cuối năm: Những điều nên tránh

An Chi 21/01/2021 16:00

Những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng tiền để trang trải tăng cao, cũng là thời điểm ''vàng'' tạo điều kiện để các hình thức cho vay trả góp ngoài ngân hàng và các hình thức lừa đảo hoạt động mạnh hơn.

Vay trả góp là hình thức vay tiền mà khách hàng sẽ trả dần tiền gốc và lãi hàng tháng thay vì phải trả hết 1 lần. Khi sử dụng hình thức này, khách hàng không cần trả tiền một lần, được chia nhỏ số tiền cần thanh toán chủ động tài chính hơn; Tiền trả trước ít, nhận được sản phẩm sử dụng ngay; Thủ tục đơn giản nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều đối tượng giả mạo, biến tướng của hình thức vay trả góp hoạt động mạnh vào dịp Tết, chúng đánh vào tâm lý của khách hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người vay dễ dàng bị mua chuộc, sau đó gánh chịu hậu quả khó lường.

Theo quan sát, có thể dễ dàng bắt gặp các tờ rơi cho vay dán trên cột điện, tủ điện, tường nhà… bủa vây từ các con phố, ngõ xóm cũng như các ngã ba, ngã tư đường mỗi dịp cuối năm. Để tiếp cận đến người cần vay tiền, số đối tượng này in tờ rơi và dán khắp các khu dân cư với nội dung “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh chóng. Chứng minh nhân dân, cà vẹt xe. Giảm 25% lãi suất...” và đi kèm theo là số điện thoại liên lạc. Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo... những lời mời vay vốn không cần thế chấp, chỉ cần có chứng minh nhân dân cũng nhan nhản.

Trong một diễn đàn Vay tiền trả góp, trang N.V.K chào mời cho vay với hạn mức từ 10 - 100 triệu đồng, lãi suất 0,8 - 1,8%/tháng, kỳ hạn trả từ 12 - 48 tháng, làm hồ sơ online và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Cũng giống như những trang khác, trang có tên N.V.K quảng cáo không tài sản thế chấp, không tiền cọc, kể cả những khách hàng đang có nợ xấu tại các ngân hàng cũng cho vay; tuổi từ 18 trở lên có chứng minh nhân dân và thẻ ATM; cho vay từ 5 - 100 triệu đồng.

Tương tự, đăng nhập trang Cash24 với nhu cầu vay 10 triệu đồng, thời gian vay 12 tháng thì tổng số tiền phải trả hơn 15,6 triệu đồng. Hướng dẫn của trang này không đề cập đến từ “lãi suất vay” mà là “phí”, với mức 5,6 triệu đồng phải trả cho khoản vay 10 triệu đồng, tương ứng mức phí 56% trong vòng 12 tháng.

Các tiệm cầm đồ cũng là một trong những hệ thống nhiều người dân cần tiền tiếp cận vào thời điểm cần tiền. Dù chỉ ghi lãi suất 1,5 - 2%/tháng nhưng lãi suất tính ra lên rất cao.

Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện nhiều dạng thức lừa đảo mới, sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để tránh trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công lừa đảo công nghệ cao, khách hàng cần nhận biết được một số dạng thức lừa đảo thông thường sau:

Vishing (Lừa đảo qua điện thoại): Với dạng lừa đảo này, các tin tặc sẽ cố gắng thu thập thông tin đăng nhập hay thông tin ngân hàng của nạn nhân qua cuộc gọi điện thoại. Cụ thể, tin tặc sử dụng dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, sau đó sẽ giả dạng nhân viên của ngân hàng hay nhân viên hỗ trợ của một công ty dịch vụ, rồi giở giọng tình cảm để dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin ngân hàng hay thẻ tín dụng.

Ðể ngăn chặn tình trạng này, các chuyên gia khuyên người dùng đừng bao giờ cung cấp qua điện thoại các thông tin quan trọng như thông tin đăng nhập tài khoản, số định danh cá nhân, thông tin ngân hàng và thẻ tín dụng. Nếu gặp các trường hợp này, người dùng nên gọi lại cho ngân hàng hay nhà cung cấp dịch vụ chính thức để xác nhận thông tin. Các tin tặc thường hù dọa về các khoản thuế quá hạn, thông báo trúng thưởng giả hay giả dạng một nhân viên hỗ trợ kỹ thuật để yêu cầu truy cập từ xa vào máy tính của nạn nhân. Tin tặc cũng có thể sử dụng giọng nói đã thu âm trước và số điện thoại ảo, để gọi điện thoại từ nước ngoài, mà nạn nhân tưởng như trong nước và rất khó nghi ngờ.

Smishing (Lừa đảo qua tin nhắn): Ðây là dạng lừa đảo được các tin tặc thực hiện qua tin nhắn SMS. Các tin tặc sẽ cố gắng dụ người dùng nhấn vào một liên kết được gởi trong tin nhắn SMS để chuyển đến một trang web giả. Tại đây, người dùng bị yêu cầu nhập vào các thông tin quan trọng như thẻ tín dụng. Từ đó, các tin tặc sẽ thu thập thông tin từ trang web.

Tin tặc thường đưa ra các kiểu thông tin như người dùng đã trúng một giải thưởng nào đó, hay nếu người dùng không cung cấp thông tin, người dùng sẽ tiếp tục bị tính phí theo giờ từ một dịch vụ nào đó.

Ðể phòng tránh, người dùng được khuyên không trả lời tin nhắn từ những số điện thoại lạ và không nhấn vào các liên kết trong tin nhắn SMS nếu không biết rõ nguồn gốc.

Email Phishing (Lừa đảo qua Email thông thường): Ðây là dạng lừa đảo phổ biến qua email với các email giả dạng một công ty hợp pháp nào đó. Nó không nhắm vào một người dùng cụ thể nào, nên thường gửi đi các email chung chung cho hàng triệu người dùng với hy vọng một số nạn nhân bất cẩn sẽ nhấp vào liên kết của tin tặc, tải về tập tin độc hại, hay làm theo các chỉ dẫn trong email.

Spear Phishing (Lừa đảo qua Email theo nhóm): Các email dạng này thường không cá nhân hóa, nên người dùng sẽ bắt gặp các câu chào chung chung như “Dear account holder” (Chào chủ tài khoản) hay “Dear valued member” (Chào thành viên quý giá). Tuy nhiên, các email này thường sử dụng những từ gây hoang mang hay hoảng sợ như “URGENT” (Khẩn cấp) để dụ người dùng nhấp vào liên kết đính kèm.

Ðây cũng là một dạng lừa đảo qua email nhưng phức tạp và cao cấp hơn vì nó nhắm vào một nhóm người dùng cụ thể hay thậm chí là các cá nhân cụ thể. Nó thường được sử dụng bởi các tin tặc tầm cỡ có ý đồ xâm nhập các cơ quan hay công ty.

Người dùng nên cẩn trọng kiểm tra địa chỉ email và phong cách của các email từ các địa chỉ quen, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.

Ở dạng lừa đảo này, các tin tặc thường tìm hiểu rất kỹ về người dùng, hoàn cảnh của họ và những người mà người dùng thường xuyên liên lạc, để từ đó tạo ra một email gần gũi với thực tế của người dùng. Và cũng do đó, người dùng sẽ không hề nghi ngờ và dễ dàng mắc bẫy.

Ðể tránh dạng lừa đảo này, người dùng nên cẩn trọng kiểm tra địa chỉ email và phong cách của các email từ các địa chỉ quen, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào. Tốt hơn hết, người dùng nên gọi điện thoại cho người gởi và xác thực mọi thứ, trước khi tải về tập tin đính kèm hay nhấp vào liên kết.

Whaling (Lừa đảo qua Email cấp cao): Ðây cũng là một dạng lừa đảo qua email tinh vi và cao cấp khác, vì nó nhắm vào một nhóm người cụ thể như các nhà quản lý cấp cao của các công ty hay các giám đốc điều hành.

Các tin tặc sẽ gởi cho các đối tượng này một liên kết đến một trang đăng nhập giả nhưng họ không thể nghi ngờ và từ đó sẽ thu thập các mã truy cập hay thông tin đăng nhập. Một số tin tặc cũng yêu cầu nạn nhân tải về một tập tin đính kèm được giới thiệu là để xem phần còn lại của giấy triệu tập của tòa án hay một đơn kiện. Tuy nhiên, những tập tin đính kèm này thực chất là các tập tin độc hại để tạo đường liên kết tới máy tính của nạn nhân.

Đại diện Công ty luật Bảo An cho biết, điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, trong giao dịch dân sự, người nào cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (hiện là 20%/năm), thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng... sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp việc cho vay lãi nặng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5 đến 15 triệu đồng.

Từ một số vụ việc lừa đảo đã xảy ra, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan chức năng khuyến cáo, các siêu thị và trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh bán hàng dưới hình thức mua bán trả góp cần đề cao tinh thần cảnh giác; đặc biệt là khi giao dịch có biện pháp kiểm tra, bố trí bộ phận an ninh chuyên trách để thẩm định hồ sơ khách hàng, không tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt và có những quy định ràng buộc rõ ràng đối với người mua bằng hình thức trả góp; cần có động thái kiểm tra ngược lại về thông tin người mua hàng để nhanh chóng phát hiện và lật tẩy màn kịch của đối tượng lừa đảo.

Đối với hoạt động kinh doanh, vay tín chấp tiêu dùng, bên bán hàng và bên cho vay phải thực hiện nghiêm ngặt thủ tục thẩm định; đồng thời đào tạo cho nhân viên các kỹ năng, trang bị máy móc để phát hiện hành vi lừa đảo.

Bên cạnh đó, người dân cần giữ gìn cẩn thận các giấy tờ cá nhân, không tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo lợi dụng, nhất là những ngày cận Tết. Theo đó, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, bạn bè, người thân cho các đối tượng mới quen. Không nên quá tin tưởng vào các thông tin quảng cáo, cho vay trên mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vay trả góp dịp cuối năm: Những điều nên tránh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO