Về miền ký ức

Đỗ Đức 03/12/2021 09:00

Nhà giáo, sống đơn thân. Nghỉ hưu. Sau 20 năm, vào tuổi 73 tự nhiên thấy nóng lòng cầm bút vẽ. Một tóm tắt không còn gì ngắn hơn về tiểu sử nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dậu.

Bà thích vẽ từ trẻ nhưng bố không ủng hộ mà hướng bà vào ngành sư phạm, mặc dầu sinh trong gia đình cả nhà làm nghệ thuật. Tốt nghiệp sư phạm, lên Khu gang thép Thái Nguyên dạy học. Cả thời công tác gắn với bục giảng phổ thông. Bà có một tình yêu thời trẻ, chưa kịp thành hôn thì anh đi B và nằm lại chiến trường. Nhưng rồi anh lại trở về thường xuyên trong giấc mơ mỗi khi có người muốn đến với mình. Tuổi xuân dần trôi đi trên bục giảng và rồi cuộc sống vướng bận với giáo án bục giảng biến sự độc thân trở thành không đơn độc. Và cứ như thế cho đến ngày rời bục giảng về hưu…

Bà sinh năm 1945, và được cha mẹ đặt tên theo hạ chi năm con giáp là Dậu. Năm Ất Dậu.

Năm 2017, bà tự dưng thấy thôi thúc muốn vẽ. Vào tuổi 73 nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã buông bút, hoặc chưa buông thì nét vẽ mảng màu cũng nhạt nhòa cảm xúc và thiếu sinh khí. Thế mà lại là lúc bà khởi nghiệp!

Hăm hở ba năm, vẽ trên trăm bức cỡ trung bình. Từ 50x70 cm đến 80x100 cm. Với nhà nghề đó là loại vừa phải. Đủ cơ số tranh, bà đăng kí triển lãm. Rất bài bản như một họa sĩ chuyên nghiệp. Đúng là cách thức làm việc của một nhà giáo, ngăn nắp, cẩn thận.

Tôi đã xem phòng tranh của bà sau khi được nhìn vài bức trên mạng. Giật mình! Quá đẹp, như một Henri Rutxo(*), họa sĩ tài danh của nước Pháp. Ông này cũng không học trường sở nào mà mày mò tự học. Bà Dậu cũng thế, vẽ thật hồn nhiên theo cảm thức. Bà bắt tay vào luôn chất liệu acrylic không dễ vẽ tí nào. Vậy mà với 55 bức chọn ra trong số 100 đã vẽ, tôi nhận ra gần một nửa trong số đó là những tranh thật sự xuất sắc, những bố cục, những mảng màu ngọt ngào mà nhiều họa sĩ chuyên nghiệp mơ ước cũng khó mà làm được. Bố cục, kĩ thuật day bút tạo sự chuyển động màu, xử lý màu bổ túc, gia giảm liều lượng để tôn vinh điểm nhấn trong tranh của bà thật cừ khôi, như một họa sĩ được đào tạo bài bản. Còn cái khó nhất là hình họa không qua ngày đào tạo mà bà giải quyết mới tài tình. Nhân vật nào trong tranh của bà cũng đều ngây thơ trong sáng như viên ngọc không dính tí bụi trần. Ôi! Nó cứ trong veo như tình cảm đứa hài nhi với vẻ đẹp thánh thiện. Chưa có trường hợp nào nghiệp dư kiểu bà mà làm được như bà: Vẽ phong cảnh đẹp, và vẽ bố cục có người còn đẹp hơn. Vẽ người là khó nhất cho nên người vẽ nghiệp dư chỉ né vào phong cảnh, tĩnh vật mà không dám đụng đến người. Vậy mà bà vẽ người dễ như không. Đã thế lại đầy cảm xúc trên dáng dấp và khuôn mặt. Như là một cao thủ chuyên nghiệp tìm đến lối vẽ ngây thơ. Mà tôi xem họa sĩ chuyên nghiệp cũng không ai làm được thế.

Bà kể về mình: Rất buồn và có hai em đều theo nghề vẽ, nhưng một người mất khi chưa kịp có tranh triển lãm lần nào, còn người em khác thì bị tai nạn giao thông nằm một chỗ và bà là người chăm sóc em hàng ngày. Bà đã vẽ xen kẽ vào những giờ tranh thủ. Tôi hỏi bà học được gì từ các chú em thì bà bảo, các em đều có gia thất, mỗi người một nơi, “kiến giả nhất phận” thì học gì. Thậm chí các em vẽ gì cũng chẳng biết. Trước năm 2017, khi bộc lộ ý muốn vẽ và bày một phòng tranh thì anh cả của bà mắng: Học hành ngay ngắn còn chẳng ăn ai, nữa là chẳng học ngày nào mà đòi vẽ với vời. Bỏ ngay ý nghĩ đó đi!

Tôi hỏi thế triển lãm này bác có về dự khai mạc không thì bà cười buồn: Mỗi người một nơi, bác ấy ở Thái Nguyên, tôi ở Hà Đông chăm sóc em, ngồi vẽ dưới này, bác ấy đâu biết. Chẳng may bác ấy mất một tuần trước. Tôi bảo tiếc, thế là bác ấy không kịp xem để bác ấy biết bác đã sai…

Ba năm vẽ trên trăm bức tranh. Bà vẽ từ tâm thức. Những hình ảnh năm 1978 lên biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng đào công sự, gặp các cô giáo Tày, những cô gái Dao, những em bé, những chàng trai Mông dần dần hiện lên… nhớ lại gì là vẽ. Bà vẽ từ đi chợ thồ hàng, cảnh người đi hội, những cô gái miền rừng trên đường làm nương rẫy, cảnh tiễn người ra trận, 55 tranh trưng bày hầu hết có bố cục người. Mà lạ thay, bức nào cũng ngay ngắn chững chạc, màu sắc tươi sáng nhuần nhị. Trực cảm về màu của bà là thứ trời cho, học cũng chẳng được thế. Những bức tranh vẽ về núi sâu thẳm một cảm xúc sống mãnh liệt. Bà bảo, nghĩ sao vẽ vậy, cứ thế nó ra. Tôi nhận ra miền kí ức của bà hiện dần lên từng bức tranh như bức ảnh trong chậu thuốc phóng ảnh trong buồng tối. Mà đúng như vậy. Tranh bà từ con người đến không gian vừa thực vừa hư, sự ngây thơ chân tình trên từng nét vẽ cũng đồng điệu theo cấu trúc… Tôi thật bất ngờ vì cảm xúc từ tranh bà truyền xuống cho người xem mạnh mẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp lão luyện.

Không thể lý giải được hiện tượng bất ngờ đi vẽ tranh vào tuổi 73 này mà thành công đến với bà lại hoàn mĩ thế. Bà chỉ vẽ với ý thức muốn ghi lại những gì cuộc đời đã đi qua để bày cho được một phòng tranh, khi hai người em của mình học hành cẩn thận mà chưa làm được.

Đây là cái duyên nghề thành nghiệp. Nghiệp này là quả từ duyên, mà là “quả phúc” có hậu vô cùng.

Tôi đã xem nhiều phòng tranh của các họa sĩ nghiệp dư. Gọi là nghiệp dư nhưng ít nhiều cũng từng theo các lớp học phong trào. Nhưng với nhà giáo nghỉ hưu Ngọc Dậu thì tới phòng tranh của bà, các họa sĩ chuyên nghiệp đến cũng phải nể vì. Từ một giáo viên Văn, rồi đứt 20 năm hưu trí, lại bật ra một họa sĩ tự thành. Thật lạ lùng ngoài trí tưởng tượng của bất kì ai.

Ra về mà tôi cứ bâng khuâng mãi về không gian tranh mà chị đã thể hiện. Nó như một giấc mơ hiện thực cuộc sống, vừa chân thành mà vẫn thi vị đầy tình người như cuộc sống vốn thế. n

(*)Henri Rutxo: Họa sĩ người Pháp, cùng thời Picasso, ông là họa sĩ theo trường phải hồn nhiên, người cũng không qua trường sở nhưng đã trở thành một họa sĩ danh tiếng của thế kỉ 20.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về miền ký ức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO