Về nơi ra đời Báo Cứu Quốc

MẠNH THẮNG 25/01/2022 08:00

Là cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng Minh, Báo Cứu Quốc ngay từ khi ra đời đã thổi bùng lên lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Đi cùng cách mạng, trưởng thành trong khói lửa, khi đất nước thống nhất Báo Cứu Quốc hợp nhất với Giải Phóng thành Đại Đoàn Kết - một tờ báo lớn, là cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự khởi đầu lớn mạnh đó bắt nguồn từ một làng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử…

Tập thể cán bộ, nhân viên Báo Đại Đoàn Kết chụp ảnh lưu niệm tại Lễ đặt bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết tại thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Đông Xuân

Về Làng Cả là tên nôm của thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vài lần, tôi được nghe anh Lê Xuân Quảng - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân và anh Nguyễn Văn Quá - Bí thư Đảng ủy xã kể về vùng đất giàu truyền thống. Từ thời xa xưa, nơi đây Thánh Gióng đánh giặc và sau khi chiến thắng thì đi đến núi Vệ Linh bay về trời. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất này là chiến trường của những trận đánh.

Làng Cả có di tích đình thờ Đương Cảnh thành hoàng đương gia phù quốc; 4 ngôi đền thờ trong xã gồm: Đền Cả thờ tướng Trương Hống, hiệu là Khước Định Đại vương; Đền Bến thờ tướng Trương Hát, hiệu là Uy Địch Đại vương. Đó là các vị tướng của Triệu Việt Vương, thế kỷ VI. Các vị thần này đã âm phù nhiều đời vua đánh giặc ngoại xâm, nổi bật nhất là âm phù Vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống.

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Báo Cứu Quốc – Giải Phóng - Đại Đoàn Kết (1942-2022), ngày 24/3/2021, tại khu di tích Nhà truyền thống Xuân Kỳ (nơi nhà cũ của gia đình ông Nguyễn Văn Hưu hiến đất), Báo Đại Đoàn Kết phối hợp cùng Đảng ủy – HĐND - Ủy ban MTTQ xã Đông Xuân tổ chức Lễ đặt bia lưu niệm.

Di tích còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng 44 (1784) đến Khải Định 9 (1925); Đền Trôi và miếu Gia Thờ thờ tướng Hỏa Nhạc Đại vương – người đã có công đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, nón sắt, roi sắt cho Thánh Gióng đi đánh giặc Ân. Đền Thiện của những người chuyên làm việc thiện giúp đời.

Bên cạnh đình, miếu, xã Đông Xuân còn có ba ngôi chùa: Chùa Cả, chùa Trôi, chùa Bến.

Trước cách mạng, các thôn khu của xã Đông Xuân ngày nay thuộc 2 làng Đông Tảo và Xuân Kỳ, tổng Phủ Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Lúc đó dân số khoảng 2000 người, diện tích đất tự nhiên khoảng 1200 mẫu. Trong khoảng năm 1925-1930, nhiều cụ đồ ở làng và những người nghĩa khí như Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Mục, Nguyễn Văn Khán, cụ Tước… đã tổ chức họp dân chống lại cường hào cấu kết với Pháp định cướp đất ruộng của dân…

Vùng đất Đông Xuân là nơi có nhiều điều kiện giao thông thuận lợi như đi sang Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), sang Yên Phong (Bắc Ninh), đi Hiệp Hòa (Bắc Giang), đi Phổ Yên (Thái Nguyên), đi Phúc Yên (Vĩnh Phúc)… cộng với lòng yêu nước, đùm bọc lãnh đạo cách mạng của người dân đã trở thành lựa chọn ra đời Báo Cứu Quốc.

Cụ Nguyễn Văn Hưu, lão thành cách mạng (bên phải) hiến đất và động thổ Nhà Truyền thống cách mạng Xuân Kỳ.

Từ mái nhà tranh

Năm 1937, thông qua ông Lê Văn Chụp ở Xuân Kỳ, nhà cách mạng Xuân Thủy thay mặt Trung ương đã cử đảng viên Nguyễn Đăng Truyền đóng giả hương sư về mở lớp dạy học nhằm mục đích tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Ba mươi người của lớp học sau này đã trở thành những đảng viên, những lãnh đạo tổ chức Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Thợ cấy, Hội Thợ cày…

Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941) tại Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) đã cụ thể hóa chủ trương chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cao hơn hết thảy.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi tổ chức và phương thức vận động của Mặt trận. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhất trí quyết định thành lập Mặt trận có tên gọi Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Hội nghị Trung ương VIII cũng chủ trương cho xuất bản một tờ báo của Mặt trận, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận và trong quần chúng.

Tháng 9/1941, Hội nghị cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ ra quyết nghị: “Các cấp bộ phải giúp đỡ tờ báo của Việt Minh sắp xuất bản nay mai, phải vận động quần chúng ủng hộ về tài chính, phải tổ chức công tác lấy tin, phải viết bài và vận động quần chúng viết bài cho tờ báo, nhất là bài vở phải sát với trình độ quần chúng và phản chiếu đời sống của nhân dân”.

Sau một thời gian chuẩn bị, Báo Cứu Quốc số 1 ra mắt bạn đọc ngày 25/1/1942. Ban đầu, Ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng phụ trách báo. Hồi ký của cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo do nhà văn Nguyệt Tú ghi lại đã viết rất rõ, toà soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên và Lê Toàn Thư - Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên.

Tòa soạn làm việc trong căn nhà lá nhỏ của vợ chồng người nông dân nghèo là Nguyễn Văn Hưu. Bàn làm việc là một chiếc phản gỗ gồm hai tấm ván cũ kỹ ghép lại, kê trên hai chiếc mễ. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung tờ báo. Thậm chí, còn trực tiếp trình bày trang báo.

Số 1 Báo Cứu Quốc gồm 4 trang, khổ 30x40cm, in litô. Trang 1, phía trên, suốt 4 cột bề ngang là chữ Cứu Quốc to đậm. Dưới chữ Cứu Quốc là dòng chữ: “Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng Minh. Số 1. Giá: 3 xu”.

Dưới dòng tít Báo Cứu Quốc chia làm 2. Bên trái là bài “Vài lời giới thiệu”; dưới là bài Đội cứu quốc quân muôn năm”. Bên phải chia hai cột, có bài “Hợp quần cứu quốc” nói về chính sách của Việt Minh. Cuối trang 1 có khẩu hiệu: “Đánh Pháp đuổi Nhật”. Trang 2, chia 4 cột rõ, tiếp những bài trang 1. Trang 3 cũng có 4 cột. Hai cột bên trái là bài “Sóng gió năm châu”.

Hai cột bên phải là bài “Chiến tranh Thái Bình Dương và tình hình Việt Nam”. Cuối trang 3 có khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập!”. Trang 4 chia làm 2 cột lớn. Một cột có bài “Sự quan hệ giữa hai cuộc cách mạng Trung Việt”. Còn lại là bài tiếp “Chiến tranh Thái Bình Dương và tình hình Việt Nam”. Giữa trang có bài thơ 8 câu của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh gửi các nhà nho. Dưới trang là khẩu hiệu: “Dân chủ tự do”.

Bài “Vài lời giới thiệu” với khí văn hào hùng: “…Trước cảnh tượng nước mất nhà tan thê thảm, Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp - Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa Tổ quốc tới bến vinh quang độc lập.

Cứu Quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của nhân dân; Cứu Quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ; Cứu Quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào tiến lên trên đường giải phóng dân tộc; Hỡi quốc dân đồng bào! Cứu Quốc nguyện làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào hãy tận tâm ủng hộ Cứu Quốc về mọi phương diện: Hãy cương quyết tiến lên dưới bóng cờ sắc đỏ sao vàng...”.

Vậy là từ làng Cả, trong mái nhà tranh, Báo Cứu Quốc đã ra đời và nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng.

Tháng 12/1942, dưới sự chủ trì của Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên Lê Quang Đạo, chi bộ Đảng Xuân Kỳ - chi bộ đầu tiên của huyện Kim Anh lúc đó được thành lập với ba đảng viên đầu tiên là Hoàng Văn Quán (bí thư chi bộ), Lê Văn Chụp, Lê Văn Cừ. Hội nghị được tổ chức tại miếu Gia Thờ. Năm 2022, Báo Cứu Quốc và Đảng bộ xã Đông Xuân sẽ long trọng kỷ niệm 80 năm ngày ra đời.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về nơi ra đời Báo Cứu Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO