Vẻ vang Hải quân Nhân dân Việt Nam

Phan Quang Vũ 10/08/2020 09:00

Hải quân Nhân dân Việt Nam lấy ngày 7/5/1955, ngày thành lập Cục Phòng thủ bờ biển thuộc Bộ Quốc phòng làm ngày thành lập Hải quân. Còn ngày truyền thống là ngày 5/8/1964, ngày chiến thắng chiến dịch Mũi Tên Xuyên - cuộc tập kích đầu tiên bằng không quân của đế quốc Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân lên đường, ra nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN.

Ngày 19/7/1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Quyết định thành lập Hải quân Việt Nam.

Tháng 4/1955, Bộ Quốc phòng thành lập Trường Huấn luyện bờ biển và chỉ 1 tháng sau thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày 24/1/1959, Cục Phòng thủ bờ biển chuyển đổi thành Cục Hải quân và đến ngày 3/1/1964, Bộ Tư lệnh Hải quân được thành lập.

Cùng với sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng từng bước lớn mạnh, tiến lên chính quy hiện đại. Trong những năm tháng xây dựng lực lượng Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta, Quân đội ta luôn dành những sự quan tâm lớn lao. Trong những lần về thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ân cần thăm hỏi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Hải quân rất nhiều điều. Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Lời dạy của Người cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

1. Để cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng đánh trả bước leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.

Tháng 6/1964, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân “chấm dứt 9 năm xây dựng hòa bình, nhanh chóng chuyển vào trạng thái thời chiến”. Đầu tháng 7/1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp hội nghị mở rộng quán triệt tình hình nhiệm vụ và xác định quyết tâm chuyển Quân chủng sang thời chiến, sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến của Mỹ với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất, không để bị bất ngờ, quyết đánh thắng ngay từ trận đầu.

Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Rạng sáng ngày 1/8/1964, đài quan sát của Hải quân phát hiện tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình và đi ngược lên phía Bắc, đã kịp thời báo cáo về Chỉ chỉ huy cấp trên, đồng thời tiếp tục bám sát, theo dõi hoạt động của địch. Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, đêm ngày 1/8/1964, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh sử dụng một phân đội tàu phóng lôi làm nhiệm vụ đánh tàu khu trục Ma-đốc của địch, không cho chúng ngang nhiên xâm phạm vùng biển của ta. Ngày 2/8/1964, Phân đội 3 Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm 3 tàu 333, 336, 339 được lệnh xuất kích đánh tàu địch.

Ngay sau đó, nhà cầm quyền Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, lấy cớ để ngày 5/8/1964 tiến hành cuộc tập kích bằng không quân đánh phá hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên suốt dải bờ biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.

Do đã được chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, lực lượng ở các căn cứ và các tàu Hải quân đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương anh dũng chiến đấu, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay địch và bắt sống tên giặc lái đầu tiên của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta (Trung úy phi công An-vơ-rét).

Với chiến thắng oanh liệt đó, ngày 5/8 hàng năm trở thành Ngày Truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

2. Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, biển đảo trong tâm thức của người Việt là đất nước, là cuộc sống mà biết bao thế hệ cha ông ta đã hi sinh xương máu để gìn giữ. Hiện nay, Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Vì thế, vượt lên khó khăn thách thức chính là sứ mệnh thiêng liêng của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.

Thời gian qua, các chiến sĩ Hải quân đã ngày đêm gìn giữ những hòn đảo, từng mét nước Biển Đông tổ tiên để lại cho con cháu. Các chiến sĩ Hải quân đã sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Việt Nam là quốc gia ven biển, với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa (điều này đã được công bố, minh chứng trong lịch sử, các tư liệu khoa học và pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam).

Nhân Ngày Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam, càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân Việt Nam với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”… chính là những biểu hiện sinh động và đầy ý nghĩa với biển đảo quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẻ vang Hải quân Nhân dân Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO