Vén màn bí mật sau những hội nhóm cho - nhận con nuôi

Quang Thành - Hoàng Chiến 07/12/2020 09:09

Hàng chục hội nhóm cho - nhận con nuôi được lập ra, với số lượng thành viên từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Thế nhưng đằng sau đó là những cuộc "mua bán" trá hình dưới danh nghĩa xin - cho.

Chỉ bằng một vài thao tác đợn giản, người dùng mạng xã hội đã có thể tìm thấy một hội nhóm
Chỉ bằng một vài thao tác đợn giản, người dùng mạng xã hội đã có thể tìm thấy một hội nhóm "cho - nhận" con nuôi từ vài trăm đến hàng chục nghìn thành viên.

Đằng sau những màn “gieo duyên”

Trong vai người hiếm muộn muốn nhận con nuôi, PV Báo Đại Đoàn Kết đã được tiếp cận đến các hội nhóm trên Facebook với cùng mục đích. Qua tìm kiếm, có đến hàng chục hội nhóm cho - nhận con nuôi đang hoạt động trên nền tảng mạng xã hội này.

Các hội nhóm có số lượng thành viên đông đảo, từ vài nghìn cho đến hàng chục nghìn thành viên tham gia.

“Hội hiếm muộn cho và nhận con” có số lượng thành viên là gần 4000 người, “Hội nhóm xin và nhận con nuôi” có hơn 5000 thành viên, còn “Nhóm cho và nhận con nuôi” có đến hơn 10.000 thành viên, “Nhóm cho nhận con nuôi” cũng có 13.000 thành viên…

Các hội nhóm này hoạt động dưới hình thức “Riêng tư”, tuy nhiên chỉ cần trả lời một vài câu hỏi là có thể được quản trị viên duyệt vào nhóm.

Sau nhiều ngày “nằm vùng” trong các hội nhóm này, PV phát hiện đằng sau những màn “gieo duyên” tưởng như đầy nhân văn trên nhóm thực chất là chiêu trò môi giới, buôn bán trẻ em.

Liên tục các bài đăng liên quan đến việc xin và cho con nuôi trong những hội nhóm hiếm muộn.

Hàng ngày ở mỗi hội nhóm có hàng chục các bài đăng liên quan đến việc xin và cho con nuôi. Phía dưới những bài đăng, hàng loạt các bình luận từ những đối tượng "cò mồi" mời gọi. Sau khi PV đăng bài muốn nhận con vào trong các hội nhóm, một loạt tin nhắn chờ hiện lên. Số lượng những người muốn cho con thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều là chiêu trò của cò mồi.

Cò mồi thường hướng các gia đình nhận nuôi các bé sơ sinh hoặc mẹ bầu sắp sinh. Nguyên nhân là do những trường hợp này dễ làm giấy chứng sinh giả cũng như một số giấy tờ khác mà không lo đứa trẻ sau này sẽ biết mình là con nuôi. Đối với những trẻ lớn hơn, việc làm giấy tờ thủ tục cũng khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

Cũng theo cò mồi, tùy thuộc vào giới tính của đứa trẻ mà số tiền “bồi dưỡng” khác nhau, dao động từ 25 cho đến 40 triệu. Ngoài ra, số tiền “bồi dưỡng” này còn thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế của người nhận nuôi và chiêu trò báo giá của môi giới.

Một tài khoản Facebook có tên N.Q. chia sẻ: “Anh đây chỉ đi làm kết nối gieo duyên thôi, nếu được thì anh sắp xếp cho hai bên gặp nhau rồi nói chuyện. Con cái mà đến với mình cũng là cái duyên em ạ”.

Tuy nhiên, chỉ sau một hồi chuyện trò, người này đã vào thẳng vấn đề: “Nói là cho con chứ người ta cũng mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, gia đình có nhận con thì cũng nên để lại cho mẹ bé một khoản tiền gọi là tiền bồi dưỡng…”.

Khi PV hỏi về khoản tiền này thì Q. không ngần ngại nói thêm: “ Cái này thì cũng vô cùng lắm, gia đình mình có điều kiện thì bồi dưỡng nhiều, mà không có thì bồi dưỡng ít. Nhưng theo anh thì nên tối thiểu là 6 tháng lương cơ bản, vợ chồng cứ thế mà nhân lên”.

Tham khảo thêm các thành viên trong nhóm, tài khoản H.H. cho biết: “Trung bình tiền bồi dưỡng từ 25 đến 30 triệu chưa kể viện phí. Còn nếu qua cò và môi giới trung gian thì vô kể, có thể đội giá lên nhiều hơn”.

Ngoài ra, nếu nhận nuôi mẹ bầu đang trong thời gian chờ sinh, người nhận nuôi còn phải đảm bảo số tiền viện phí cho thai phụ. Tổng số tiền để có thể nhận một bé về nuôi có khi lên đến cả gần trăm triệu đồng.

Đấy là chưa kể, rất nhiều trường hợp đến khi nhận bé về nuôi mà người nhận vẫn bị cò mồi hay mẹ bé “vòi tiền”.

Đa dạng cách thức kiếm tiền trước sự chào đời của đứa bé

Hầu hết cò mồi thường đăng bài dưới hình thức người thân đang mang bầu sắp sinh nhưng không có đủ điều kiện để nuôi con nên muốn tìm những gia đình tử tế để nhận nuôi.

Thậm chí, cò còn tự nhận chính mình đang mang bầu nhưng hoàn cảnh quá khó khăn hoặc bố đứa bé không nhận hay không muốn cho gia đình biết… để “câu dẫn” những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Thực chất, những đối tượng này kết nối người có nhu cầu cho - nhận con nuôi rồi ăn tiền chênh lệch. Một số đối tượng còn hứa hẹn sẽ làm giấy tờ chứng sinh giả cho bé.

Để đảm bảo bí mật, cò mồi sẽ nói chuyện, “làm giá” với các gia đình hiếm muộn trước, rồi tạo những cuộc gặp giữa hai bên để trao đổi cụ thể.

Những lời chèo kéo của các
Những lời chèo kéo của các "cò mồi" về việc "cho - nhận" con nuôi với cùng một "format" giống nhau.

Không chỉ môi giới "cho - nhận" trẻ sơ sinh, trong một số hội nhóm còn xuất hiện những thành viên chuyên dẫn dắt người mang bầu sắp sinh sang Trung Quốc "đẻ thuê".

Trong vai một người sắp sinh muốn cho con nuôi, PV nhanh chóng nhận được các tin nhắn mời chào sang Trung Quốc để sinh với số tiền "bồi dưỡng" lên đến hàng trăm triệu đồng, tất cả chi phí đi lại, viện phí đều được các đối tượng này lo.

Ngay sau khi đăng bài với nội dung: “Chỉ còn một tháng nữa em sinh, do không có điều kiện để nuôi nên rất mong tìm được gia đình tử tế để cho bé”, PV nhận được hàng chục tin nhắn của những thành viên trong nhóm về việc sang Trung Quốc để "cho con" với nội dung tương tự nhau.

“Gia đình mình đang làm bên Trung, có người quen 10 năm nay chưa có con nhờ mình hỏi giúp. Gia đình họ muốn xin xa để sau này bạn không tìm lại con. Nếu được thì bạn sang đây sinh rồi xong xuôi họ bồi dưỡng cho 150 triệu”, tài khoản H.T. bày tỏ.

Cũng cùng kịch bản, một tài khoản Facebook khác với tên V.N. cũng thẳng thắn vào vấn đề: “ Anh có đứa bạn lấy chồng bên này nhưng mãi không có con, nhờ anh xin giúp một bé. Không biết ý em thế nào. Nếu được thì tất cả chi phí đi lại, sinh đẻ anh lo hết. Sinh xong bồi dưỡng em 120 triệu”.

Khi thai phụ có dấu hiệu nghi ngại hoặc lo sợ, cò sẽ nhanh chóng trấn an bằng cách giải thích: mình là người Việt, đã làm ở Trung Quốc lâu năm, thủ tục giấy tờ sẽ lo cho đầy đủ.

Thậm chí, một số cò mồi còn chấp nhận để thai phụ đi cùng người nhà sang "miền đất hứa" nếu không cảm thấy an toàn. “Sau khi qua cửa khẩu sẽ có xe riêng đưa em về, xe đó chuyên đón người Việt đi làm bên này nên em yên tâm”, N. cho biết.

"Em cứ đi làm hộ chiếu là được. Rồi mẹ chị đón em ở Móng Cái, em đi cùng mẹ chị sang đây. Thế là khỏi phải lo gì nhé” - một cò khác gửi tin nhắn.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Cứ thế, thông qua những tin nhắn "gieo duyên", móc nối như vậy, liệu rằng đã có bao nhiêu đứa trẻ được "cho" và "nhận" với một mức "bồi dưỡng" được thống nhất giữa hai bên sau những kì kèo, "trả giá" không khác gì các cuộc mua bán ngoài chợ?

Không thể phủ nhận việc, trong các hội nhóm kể trên, có nhiều gia đình hiếm muộn mong mỏi đươc làm cha, làm mẹ, muốn xin con về nuôi từ các cô gái "trẻ người non dại" hay những bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện sinh con.

Thế nhưng, cũng có không ít các đối tượng "ẩn nấp", lợi dụng nhu cầu "cho - nhận" con nuôi để lừa đảo, thực hiện các hành vi trái với quy định của pháp luật.

Chưa kể đến các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con nếu thực sự diễn ra sẽ tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro không thể lường trước được về an ninh biên giới, an toàn và tính mạng của thai phụ trong suốt quá trình xuất nhập cảnh và sinh nở.

Mấy năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây buôn bán trẻ em, buôn bán bào thai.

Ngoài việc người dân chưa nắm bắt được những quy định của pháp luật thì sự "hợp tác" của các bà mẹ trong việc cho - bán con thông qua các "kênh" trung gian đã gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.

Việc nhiều nhóm cho - nhận trẻ sơ sinh đang hoạt động công khai và nhộn nhịp trên mạng xã hội làm dấy lên lo ngại về những mối nguy hiểm của vấn nạn buôn bán trẻ em, buôn bán bào thai đang gây nhức nhối trong dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vén màn bí mật sau những hội nhóm cho - nhận con nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO