Vì một nền nông nghiệp thịnh vượng

Nam Việt 28/09/2020 13:31

Thông tin từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hôm nay, ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân lần thứ 3 (năm 2020) tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Chủ đề của cuộc đối thoại lần này là “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Lô hàng gạo thơm của Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang Châu Âu.

Có thể nói, cuộc đối thoại lần này của Thủ tướng với nông dân rất đặc biệt, khi đất nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi sản xuất, với những vấn đề đặt ra chưa hề có tiền lệ.

Trước đó, ngày 9/4/2018, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra tại thành phố Hải Dương với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới”. Cuộc đối thoại thứ hai, ngày 10/12/2019, diễn ra tại thành phố Cần Thơ, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Như vậy, 3 năm liên tiếp, Thủ tướng đối thoại trực tiếp với nông dân, cho thấy mức độ quan tâm lớn lao của người đứng đầu Chính phủ, của Chính phủ đối với nông nghiệp - nông thôn - nông dân.

Việt Nam tự hào về nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp. Lịch sử hàng ngàn năm của đất nước cũng hình thành từ nông nghiệp. Kể cả trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thì người nông dân cũng lại là người lính, bỏ cuốc cày để cầm gươm cầm súng. Ở hậu phương, các bà, các mẹ, các chị là chiến sĩ trên ruộng đồng, chắt chiu từng hạt gạo, từng bắp ngô, từng củ khoai cho người ra trận còn mình thì “trở về nuôi cái cùng con”.

Người nông dân Việt Nam là vậy, hy sinh tất cả vì nghĩa lớn. Họ không đòi hỏi gì cho mình, suốt đời lam làm chịu thương chịu khó. Truyền thống ấy của người nông dân Việt Nam đã hình thành truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc.

Cho tới nay, cuộc sống đổi thay, người nông dân Việt Nam vẫn mộc mạc chân thành, chịu thương chịu khó. Nhưng, cuộc sống thay đổi thì nông nghiệp - nông thôn cũng phải đổi mới. Không thể để khoảng cách nông thôn - thành thị cứ giãn rộng ra. Không thể để người nông dân phải “treo vườn”, “treo ao”, “treo chuồng”; phải cầm cố mảnh ruộng của mình rồi tìm đường tới các khu công nghiệp, tới các thành phố để làm những công việc giản đơn nặng nhọc đắp đổi qua ngày.

Không thể để bà con ly nông trên chính đồng đất quê nhà; càng không thể để bà con vừa ly nông lại vừa phải ly hương.

Rất may, những năm gần đây, tình hình đã sáng lên. Nhiều nơi bà con nông dân đã trụ vững trên cánh đồng làng mình. Hộ nghèo, cận nghèo đã bớt dần, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Có được điều đó là nhờ vào cú hích quan trọng trong thay đổi cách thức làm nông nghiệp. Giá trị nông sản đã cao hơn, thu nhập của người nông dân đã tốt hơn, nhờ đó cuộc sống cũng dễ thở hơn.

Trở lại với thực tế những ngày này, thêm một lần nữa người ta nhận thấy nông nghiệp xứng đáng là “vịnh trú bão”, là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Khi đại dịch Covid-19 gây họa cho toàn thế giới, kể cả những nền kinh tế hùng hậu nhất cũng rơi vào suy thoái. Trong nước, nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh “ngủ đông” thì kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng dương. Có được điều đó là nhờ đóng góp cực kỳ quan trọng của nông nghiệp. Chỉ mới đây thôi, những lô cà phê, gạo thơm, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang châu Âu, sang Mỹ đã cho thấy điều đó.

Nhưng nông nghiệp Việt Nam, người nông dân Việt Nam hôm nay vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, tự bà con phải chuyển mình từ lối canh tác cổ truyền sang cách làm nông nghiệp hiện đại, đòi hỏi sản phẩm sạch, chất lượng cao. Tiếp đó, thiên tai ngày một khốc liệt hơn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ bất thường và kéo dài, hạn hán rình rập, ngập mặn xâm nhập sâu vào nội đồng… Tất cả những điều đó tự người nông dân không thể giải quyết được, mà phải trông chờ vào những quyết sách chiến lược của Nhà nước.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng chưa nhiều. Dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng còn thấp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thay đổi phần nào bộ mặt nông thôn, rõ nhất là hệ thống điện - đường - trường - trạm; nhưng đầu tư quyết liệt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho từng nông sản, cho từng hộ nông dân thì vẫn chưa thấy rõ.

Vì thế, đề cao và coi trọng hơn nữa vị trí, vai trò của nông nghiệp - nông thôn - nông dân chính là đòi hỏi không chỉ trước mắt mà phải là chiến lược lâu dài. Phải đầu tư thật mạnh mẽ để thay đổi hẳn nông nghiệp nước nhà trên nền tảng đã đạt được là đòi hỏi rất cấp thiết. Cũng xin được nhắc lại, trong tổng số gần 100 triệu dân cả nước, thì số người ở nông thôn, làm nông nghiệp là gần 70 triệu người.

Cũng chính vì thế nông nghiệp - nông thôn - nông dân lại càng phải được coi trọng, từ đó có sự đầu tư thật mạnh mẽ, toàn diện và dài hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì một nền nông nghiệp thịnh vượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO