Vi phạm giao thông đường bộ: Xử phạt nặng để răn đe

Đức Sơn - Tuấn Minh 18/12/2021 08:10

Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022 sẽ tăng mức phạt tiền tối đa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông. Các chuyên gia đánh giá việc tăng chế tài xử phạt sẽ tăng sự răn đe, cảnh tỉnh đối với người dân, tuy nhiên cũng cần có cơ chế giám sát lực lượng thi hành công vụ để hạn chế tiêu cực trong xử lý vi phạm. 

Tăng chế tài - tăng sức răn đe

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, từ ngày 1/1/2022 mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông sẽ tăng mạnh so với quy định hiện hành.

Theo đó, Khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 quy định, phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với vi phạm trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực giao thông. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Cụ thể, quy định về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đường bộ, trước đây dù chở quá rất nhiều người thì mức phạt tối đa chỉ đến 40 triệu đồng, nay phạt tối đa lên 75 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị tăng phạt rất nặng, có thể gấp đến 10 lần so với hiện nay.

Dự thảo quy định phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện nay chỉ từ 1-2 triệu đồng); từ 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện nay chỉ từ 2-4 triệu đồng) thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tải trọng xe.

Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng tăng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ… Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (hiện nay là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ô tô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng).

Theo đánh giá của ngành giao thông vận tải, đề xuất tăng nặng một số mức phạt nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với người dân đồng thời bảo vệ kết cấu hạ tầng và tăng mức răn đe đối với các hành vi nguy hiểm.

Các chuyên gia giao thông cùng nhận định, tăng chế tài xử phạt vi phạm vào thời điểm này là cần thiết khi mà hành vi này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Hà Nội cho rằng, vi phạm giao thông có nhiều nguyên nhân. Ngành chức năng cần có biện pháp làm thế nào để hạn chế tai nạn giao thông là quan trọng nhất, còn nâng mức xử phạt lên thì người dân sẽ chấp hành.

Ông Liên cũng nêu quan điểm, hành vi chở quá tải là hành vi trực tiếp phá hoại đường, đồng nghĩa với hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế họ biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm nên cần phải xử lý thật nặng để răn đe.

Cần có cơ chế giám sát lực lượng thi hành công vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cho rằng, việc tăng mức xử phạt là cần thiết, việc tăng xử phạt sẽ tác động 2 chiều đến với người dân. Người tham gia giao thông sẽ thận trọng hơn, nâng cao ý thức hơn trong việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, mức xử phạt tăng cao cũng nảy sinh nhiều hệ lụy, thêm gánh nặng, áp lực cho người tham gia giao thông.

Ông Quyền cũng cho hay, để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, nên chăng chúng ta phải hiện đại hóa kiểm soát, giám sát giao thông theo hướng sử dụng công nghệ xử phạt nguội và áp dụng hệ thống giao thông thông minh. Chúng ta nên nghiên cứu để điều chỉnh những quy trình về xử lý, xử phạt để quy trình gọn nhất, nhanh nhất.

Từ ngày 1/1/2022, hành vi chở quá số người quy định có thể bị xử phạt tối đa lên tới 75 triệu đồng.

“Tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng áp dụng công nghệ giám sát giao thông, công nghệ xử lý vi phạm, phạt nguội, để mọi hành vi vi phạm phải được xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Chừng nào chúng ta làm được mục tiêu như thế mà vẫn chưa đủ sức để răn đe, điều chỉnh các hành vi trong lĩnh vực giao thông, lúc đó chúng ta mới tính đến việc tăng mức xử phạt” - ông Quyền chia sẻ.

Ông Quyền cũng nêu quan điểm, ngành chức năng cần vừa tăng cường xử phạt, vừa tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội, để người dân chấp hành một cách tự giác pháp luật giao thông.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông khẳng định, việc tăng mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông là cần thiết để tạo sự răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm giao thông cũng cần mang tính nhân văn, giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tiễn của người dân về vấn đề trình độ, thu nhập, mức sống.

“Lĩnh vực giao thông hay bất cứ ngành nào cũng thế, nguyên tắc là giao thông nước nào cũng có vi phạm, đừng nghĩ rằng là chúng ta có thể nói không với tai nạn giao thông, nói không với vi phạm giao thông. Cho nên răn đe cũng phải lưu ý mức phạt người dân có thể nộp được. Cuộc sống người ta có thể tồn tại được và không đánh quá nặng vào túi tiền và sinh kế của người dân, quan trọng là có giải pháp tổng thể, phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông ” - ông Thủy nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề làm sao để ngăn chặn tình trạng người vi phạm “lót tay” lực lượng chức năng hòng bỏ qua sai phạm, ông Thủy cho rằng, cần có cơ chế chặt chẽ để giám sát người thi hành công vụ, lực lượng xử lý, xử phạt.

“Tôi ủng hộ việc cần có thiết bị giám sát đối với chính lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Với thiết bị hiện đại, thông minh thì chúng ta gắn luôn vào người CSGT để theo dõi quá trình làm việc và dứt khoát phải kiểm tra thường xuyên xem thiết bị đó có hoạt động hay không. Phải có trách nhiệm như thế thì mới ngăn chặn được” - ông Thủy nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Tạ Văn Phú, Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, để pháp luật được thực thi hiệu quả thì cần có các chế tài xử phạt. Chế tài chính là công cụ để xử lý đối với người vi phạm pháp luật. Chế tài có nghiêm minh thì mới có sức răn đe và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Theo Luật sư Phú, việc Luật xử lý vi phạm hành chính tăng mức xử phạt lên cao hơn mức cũ chính là mục đích muốn tăng tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp, điều này sẽ có tác động rất lớn đến ý thức của người tham gia giao thông, nhằm mục đích để người dân thấy được hậu quả của việc vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với thiệt hại về kinh tế từ việc xử phạt của cơ quan chức năng.

Luật sư Tạ Văn Phú, Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Việc xử phạt nặng không phải biện pháp duy nhất

Việc áp dụng quy định mới vào thời điểm nào thì cơ quan nhà nước cần phải xem xét lại trên hai yếu tố: Thứ nhất là quy định của luật đã đủ rõ ràng chi tiết chưa. Thứ hai là việc áp dụng quy định mới sẽ vướng mắc khó khăn gì, cần khắc phục thế nào nếu có? Vì để một văn bản luật có tính khả thi, áp dụng được trong thực tiễn đời sống thì cần thiết phải có các hướng dẫn chi tiết.

Theo quan điểm của tôi, cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn nữa để các cơ quan thực thi pháp luật cũng như người dân nắm được và áp dụng các quy định một cách chính xác nhất.

Để một văn bản luật thực sự có hiệu quả trong thực tiễn đời sống, ngoài việc các quy định phải đầy đủ, chặt chẽ phù hợp với thực tiễn thì nhà nước cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật nhằm giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân.

Việc xử phạt nặng không phải biện pháp duy nhất làm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nó chỉ là một biện pháp trong rất nhiều biện pháp khác. Do đó, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật rất quan trọng. Kết hợp được việc tuyên truyền và giáo dục nâng cao ý thức người dân thì việc tăng mức hình phạt sẽ làm cho ý thức chấp hành pháp luật của người dân tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS: Cần giải pháp tổng thể, lâu dài

Việc tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ có tác động đối với người dân trên cả hai mặt. Một phần, quy định mới này sẽ tăng tính răn đe, giúp người dân ý thức được việc không vi phạm luật khi tham gia giao thông là cần thiết. Ai cũng không muốn mình bị mất tiền phạt. Từ đó, có thể giảm thiểu được tình trạng vi phạm luật giao thông, giảm đáng kể các vụ tai nạn giao thông.

Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông sẽ có những hình thức kỷ luật riêng đối với những người vi phạm. Ở đây nếu muốn tránh việc người vi phạm lót tay CSGT thì việc đầu tiên phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý và kiểm tra thường xuyên những cán bộ CSGT được giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân về hành vi “đút lót” là sai quy định của pháp luật, ngoài việc vi phạm thì người dân có thể bị xử phạt về hành vi hối lộ của mình.

Trước mắt, có thể những hình thức xử lý hành chính đối với người vi phạm là có hiệu quả nhưng về lâu dài nếu cứ tăng mức phạt lên cao dần cũng không phải là phương án tối ưu, càng không thể xem đây là thanh “thượng phương bảo kiếm” để lập lại trật tự trong lĩnh vực giao thông mà cần có giải pháp tổng thể, lâu dài.

Tuấn Minh - Đức Sơn(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm giao thông đường bộ: Xử phạt nặng để răn đe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO