Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với giãn thuế?

Thuý Hằng 01/08/2020 10:10

Chưa có con số thống kê mới nhất từ Tổng cục Thuế về số thuế mà doanh nghiệp đề nghị gia hạn thu theo Nghị định 41/ 2020/NĐ – CP gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Nhưng dự đoán cũng chỉ xoay quanh 53.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc giãn thuế.

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc gia hạn thuế. Ảnh: Quang Vinh.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, đến cuối ngày 28/7 vừa qua, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được đề nghị được gia hạn là 53.400 tỷ đồng.

Trong đó, số thuế Giá trị gia tăng của doanh nghiệp được gia hạn là 28.913 tỷ đồng; số thuế Thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp được gia hạn là 20.508 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là 3.381 tỷ đồng; Thuế Giá trị gia tăng và Thu nhập doanh nghiệp của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn là 597 tỷ đồng.

Trong khi đó cũng theo quy định, ngày 30/7 là cơ quan thuế khoá sổ tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của doanh nghiệp. Song trên thực tế ghi nhận từ các địa phương cho biết, các doanh nghiệp nộp giấy đề nghị thấp.

Số hồ sơ gửi đến cơ quan thuế thấp hơn so với dự tính ban đầu. Điều này cho thấy người dân cũng như hộ kinh doanh cá nhân không mấy mặn mà với việc gia hạn thuế.

Trước đó theo tính toán của Bộ Tài chính khi xây dựng Nghị định 41 về việc gia hạn thuế, sẽ có khoảng 180 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn. Nếu so sánh với số tiền được gia hạn hiện nay mà Tổng cục Thuế tổng hợp, con số 53.000 tỷ có khoảng cách khá lớn

Vậy, tại sao cộng đồng doanh nghiệp không thiết tha với gia hạn thuế? Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 41 của Chính phủ chưa thật sự sát sườn với quyền lợi doanh nghiệp.

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp phải đóng cửa ngưng hoạt động thì không phát sinh thuế để nộp. Ngay khi Nghị định còn ở trong dự thảo, bản thân các chuyên gia cũng từng đưa ra nhận xét, doanh nghiệp không kinh doanh, không có thu nhập thì không có thuế để nộp.

Thứ hai, bản chất việc gia hạn thuế là dồn nợ thuế cho tương lai. Cho nên doanh nghiệp cũng không mong muốn điều này vì trước sau vẫn phải nộp, chỉ là vấn đề thời gian. Tác động của dịch bệnh tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam là rất lớn và trên quy mô rộng.

Tại Việt Nam, thời gian qua để giảm thiệt hại do Covid-19 gây ra, Chính phủ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: gia hạn 4-5 tháng nộp thuế; miễn giảm một số loại phí thuộc lĩnh vực chứng khoán, phí thanh toán không dùng tiền mặt…

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung, mức độ hỗ trợ vẫn còn quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia này, để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thì cần giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với những doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo quyết định, hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm) phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo phân tích, Nghị định 41 của Chính phủ ban hành đúng vào thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, phần lớn doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Chưa kể nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã nộp thuế cuối năm 2019 gần như hết, bước sang năm 2020 việc sản xuất kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh nên chưa có thuế phát sinh, vì thế doanh nghiệp không làm giấy đề nghị gia hạn.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Công ty bia Sài Gòn Miền Trung chia sẻ thông tin: “Chúng tôi hiện có 3 nhà máy và 1 công ty dịch vụ. Năm 2019 đóng thuế gần 1000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay đóng thuế hơn 311 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đóng hơn 500 tỷ đồng. Điều này cho sức khỏe của công ty đã đáng báo động”.

“Thấy tình hình chung của doanh nghiệp hiện nay khó khăn. Vì thế tôi nghĩ cần có những giải pháp rộng hơn, thay chỉ vì hoãn, giãn thuế”, ông Dũng nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên miễn thuế theo tỷ lệ phần trăm thay vì giãn thuế. Như thế doanh nghiệp mới có đồng vốn để tích luỹ, tái sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với giãn thuế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO