Vì sao doanh nghiệp 'không dám lớn'?

Bắc Phong 30/11/2022 07:19

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 10039 hướng dẫn, định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023; trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, chỉ đạo, không dàn trải; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hợp lý, hiệu quả.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp (DN) là cần thiết. Tuy nhiên, quá nhiều đợt thanh tra, thanh tra chồng chéo giữa các đoàn lại khiến DN mất thời gian, tốn kém, đối phó kể cả mất cơ hội kinh doanh. Chính vì thế, về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải giảm các thủ tục phiền hà đến DN, trong đó có thanh tra.

Đại dịch Covid-19 tác động xấu đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong 2 năm 2020-2021, cộng đồng DN thiệt hại nặng nề, nhiều DN phải giải tán, không ít DN rơi vào cảnh “chết lâm sàng” và người lao động cũng khốn đốn.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN, người lao động vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch. Những gói hỗ trợ nghìn tỷ đã tiếp sức cho DN, người lao động vượt qua khó khăn không có tiền lệ, để hồi phục. Cùng với các gói hỗ trợ tài chính thì việc tháo gỡ nút thắt thủ tục hành chính cũng đã đưa tới những kết quả đáng khích lệ.

Kể từ giữa tháng 10/2021, khi chủ trương phòng, chống Covid-19 thay đổi theo hướng linh hoạt ứng phó, mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng DN đã trút được “gánh nặng ngàn cân”, khi không còn phải tiến hành những biện pháp cách ly nghiêm ngặt làm gián đoạn sản xuất. Từ đó, không khí mới, sức bật mới hiển hiện. Năm 2022, tính đến hết quý 3, bất chấp rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, lạm phát cao nhất trong òng 40 năm, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, đứng vào tốp hiếm hoi các quốc gia có sức chống chịu tốt hàng đầu thế giới.

Theo giới chuyên gia kinh tế, cùng với những thành tích đã đạt được thời “hậu Covid”, chúng ta vẫn có thể tiến nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn nếu như bên cạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sự quyết tâm của DN... thì việc tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính, cụ thể là giảm bớt các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát không cần thiết tránh gây phiền hà cho DN sẽ là những điều kiện quan trọng để DN phát triển.

Như đã nói, thanh tra, kiểm tra, giám sát là cần thiết để DN hoạt động đúng, tránh vi phạm pháp luật; nhưng nếu như lạm dụng việc này cũng có nghĩa là làm khó DN. Việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra sẽ trở thành những sợi dây trói DN, đẩy họ vào tình thế đối phó. Vì thế, ngoài việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch thì cần hạn chế tối đa việc thanh tra đột xuất, hoặc là kéo dài thời gian thanh tra, chậm ra kết luận thanh tra. Nhiều DN cho rằng cơ quan thanh tra chỉ nên tiến hành thanh tra DN khi có dấu hiệu sai phạm, trốn thuế, vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng nên tập trung thanh tra ở những khối DN “nhạy cảm”, tránh mở ra quá rộng diện DN phải thanh tra.

Đó là cấp trung ương. Với các địa phương cũng tương tự. Thực tế cho thấy nhiều năm qua cho dù có cải tiến chút ít nhưng việc thanh tra, kiểm tra DN thuộc diện địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quản lý vẫn còn nhiều, gây bức xúc, làm khó DN. Trong đó, việc thanh tra về môi trường, an toàn lao động, thanh tra thuế và kể cả thanh tra toàn diện vẫn được các địa phương tiến hành thường xuyên, coi đó như một công cụ cần thiết để “chấn chỉnh”, “đưa vào khuôn phép” hoạt động của DN địa phương mình.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nhiều lần khẳng định phải đồng hành cùng DN chứ không phải là làm khó DN. Đồng hành cùng DN, lắng nghe DN, cùng DN tháo gỡ khó khăn thì DN mới lớn mạnh. Càng siết chặt bằng cách liên tục kiểm tra, giám sát, thanh tra thì DN lại càng “không dám lớn”. Và thêm nữa, rất dễ xảy ra tiêu cực khi DN muốn “yên thân” đành phải bôi trơn, lót tay cho cán bộ các đoàn thanh tra. Có lẽ vì vậy mà Công văn số 10039 của Bộ Tài chính hướng dẫn, định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 đã yêu cầu "kiểm tra tính liêm chính của công chức thuế trong công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; công tác quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí; việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập và giải quyết khiếu nại, tố cáo".

Vì vậy, cùng với việc giảm bớt những cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với DN thì cũng rất cần giám sát cả những người đi kiểm tra, về tính liêm chính khi thực thi công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao doanh nghiệp 'không dám lớn'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO