Vì sao doanh nghiệp vẫn 'ngán' nông nghiệp?

Ngọc Quang 10/08/2022 09:43

Theo Tổng cục Hải quan, con số kim ngạch xuất khẩu 8 nhóm hàng nông, thủy sản chính tính từ đầu năm đến ngày 15/7 tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong nước, mặt bằng giá nhiều loại nông, thủy sản hàng hóa duy trì ở mức khá cao. Thế nhưng, thu nhập của người nông dân thì không mấy lạc quan, và doanh nghiệp vẫn không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.

Lao động vất vả nhưng thu nhập của người nông dân thấp.

Ở thời điểm hiện tại, giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng 500 đồng/kg, nhưng thu nhập của người trồng lúa chẳng những không tăng mà còn giảm. Tương tự, giá cá tra nguyên liệu hiện đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 7.500-8.000 đồng/kg, nhưng người nuôi cá vẫn chưa thể đạt tới điểm hòa vốn. Còn với người nuôi lợn, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới lần thứ 6 tính từ đầu năm.

Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tái khẳng định “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế” và mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là “nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”. Mục tiêu tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn vào năm 2030 gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, hiện nông nghiệp - nông thôn - nông dân vẫn còn nhiều việc phải bàn. Muốn nông nghiệp phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế thì người nông dân phải sống được, sống khá giả trên mảnh đất của mình, trong ngôi làng của mình thay vì phải sống trong nỗi lo nông sản rớt giá, chi phí đầu vào tăng. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu trong đại dịch Covid-19, nhiều đối tượng được hỗ trợ thì nông dân hình như bị đứng ngoài chính sách này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp chính là doanh nghiệp (DN) chưa thực sự coi đây là khu vực đầu tư. Tuy rằng, những năm gần đây đã có một số tập đoàn đầu tư, nhưng con số cũng không nhiều, không đủ sức thay đổi cục diện. Lý do đầu tiên khiến DN ngại ngần là do lĩnh vực này tiềm ẩn những rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh; quay vòng vốn chậm; chuỗi tiêu thụ nông sản hay gặp trục trặc.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2021, có 1.640 DN thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số DN nông nghiệp trên cả nước lên hơn 14.400. Con số đó là nhỏ bé so với tổng số DN cả nước: tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để “kéo” DN về nông thôn, cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều địa phương cũng đã có chính sách riêng, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trước tiên là việc DN khó tiếp cận đất đai khi tham gia đầu tư. Vì muốn “làm ăn lớn” thì phải có đất, nhưng việc “gom” đủ diện tích lại vướng đủ bề. Vì thế, một số DN đầu tư vào nông nghiệp đã thất bại khi nhà máy ở xa vùng nguyên liệu, khiến chi phí tăng cao. Vùng nguyên liệu lại không tập trung, bị phá vỡ khi nông dân thay đổi cây trồng.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho rằng, tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế; số vốn được cân đối chủ yếu đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, các dự án trọng điểm về phát triển nông nghiệp còn ít, hiệu quả lan tỏa chưa cao. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án còn chậm, mức vốn cân đối chưa bảo đảm tiến độ thực hiện. Việc đầu tư cho giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp.

Bộ NNPTNT cũng đã tìm nhiều cách thu hút DN vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, năm 2022, sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho DN, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ; phấn đấu thành lập mới 2.000 DN, nâng tổng số DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 16.100.

Nhưng đó cũng vẫn là kế hoạch, là cố gắng, muốn điều đó thành hiện thực lại là vấn đề rất khác. Khi mà cuộc sống của người nông dân vẫn bấp bênh. “Được mùa rớt giá”, “treo chuồng, treo ao, treo ruộng”... Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất đối với người nông dân chính là “một bộ đệm”, một hệ thống lưới an sinh xã hội bền vững, phù hợp với đặc trưng của ngành nghề sản xuất và văn hóa lối sống truyền thống làng xã.

Sứ mệnh của nông dân, trước hết là tự nuôi sống mình. Nhưng dần dần, sứ mệnh đó đã vươn tầm lên để trở thành sứ mệnh của quốc gia, kể cả thời đại. Tới nay, qua nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, lại càng thấm thía vai trò của nông nghiệp, mồ hôi công sức và những rủi ro của người nông dân, trong khi khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày một kéo giãn. Không ít nơi lớp trẻ trong làng rời quê ra thành thị làm lao động giản đơn. Làng vắng tiếng cười nhưng lại nhiều những đứa trẻ sống với ông bà vì cha mẹ chúng đi làm ăn nơi xa...

Vì vậy, muốn thực sự thay đổi bộ mặt nông thôn thì rất cần một chính sách mạnh mẽ đưa DN về với nông dân. DN phải được ưu đãi nhiều hơn, nhất là những DN trong lĩnh vực công nghệ cao, để tạo ra một nền nông nghiệp số thực sự chứ không chỉ dừng lại ở mơ ước hay là những lời kêu gọi.

Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, chúng ta hô hào đầu tư cho nông nghiệp nông thôn rất mạnh, nhưng đấy là chủ trương, còn để các ngành, các cấp biến chủ trương thành hiện thực, thỏa đáng hơn, đầy đủ hơn thì chưa. Ví dụ cho vay nhà ở nông thôn, cho vay để sản xuất đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, phải có lập dự án, kinh doanh có lãi. Thường thường những cái này ở nông thôn yếu thế hơn. Ông Kiêm cho rằng, phải giảm chi phí cho khu vực nông thôn. Bởi nông thôn có nhiều chi phí rất bất hợp lý chồng chéo nhau cho nên làm cho giá thành sản phẩm cao. Các thủ tục phải thông thoáng. Khi vấn đề này được tháo gỡ thì nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mặn mà về với nông thôn. Có nhiều cái nông dân không tự làm được như tìm hiểu thị trường, trang bị khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, vì thế họ cần phải được giúp đỡ, hỗ trợ, tiếp sức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao doanh nghiệp vẫn 'ngán' nông nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO