Vì sao khó giảm tai nạn lao động?

Lê Bảo 11/06/2020 08:00

Năm 2020 để đạt được mục tiêu tiếp tục giảm tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) từ 5-7%, Bộ LĐTBXH đã có nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, đổi mới hoạt động của Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo hướng tăng cường đối thoại theo chuyên đề đối với doanh nghiệp… tuy nhiên theo thống kê riêng trong tháng 5 (Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân), đã xảy ra 17 vụ TNLĐ làm chết người là 25 người chết.

Vì sao khó giảm tai nạn lao động?

Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức là giải pháp hữu hiệu hạn chế tai nạn lao động.

Ám ảnh tai nạn

Tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người- nỗi ám ảnh này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay việc tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động dường như vẫn là bài toán khó. Bằng chứng là dù đã có một hành lang pháp lý, chính sách được ban hành nhưng thống kê sơ bộ của Cục An toàn Lao động, Bộ LĐTBXH tính đến hết ngày 5/6/2020 cả nước đã xảy ra 320 vụ TNLĐ, làm 340 người bị nạn. Trong đó, số vụ có chết người là 17 và đã làm 25 người chết. Tính riêng trong tháng 5 (Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân), đã xảy ra 17 vụ TNLĐ làm chết người là 25 người chết. Trong đó có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết và 14 người bị thương,…

Các tỉnh có vụ tai nạn lao động nhiều là tỉnh Bình Dương và TP HCM. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Bình Dương đã xảy ra 277 vụ TNLĐ, trong đó: có 32 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 1% đến 4%, có 193 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 30%, có 41 trường hợp TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 92% và 11 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 13 người. Còn theo Sở LĐTBXH TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, TP đã xảy ra 29 vụ TNLĐ làm chết 32 người, bị thương 2 người. Riêng số vụ TNLĐ chết người phát sinh trong tháng 5/2020 là 10 vụ, làm chết 13 người, bị thương 2 người, ít hơn 1 vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh tra Sở LĐTB&XH TP HCM tiếp nhận 1 vụ TNGT có liên quan đến lao động (làm chết 1 người) để giải quyết chế độ cho người lao động. Các vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất là lĩnh vực xây dựng 7 vụ: 2 vụ ngã cao, 4 điện giật, 1 vật đè, trong đó: có 5 vụ xảy ra ở công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân và 2 vụ xảy ra ở công trình xây dựng tòa nhà cao tầng. Lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ: 1 vụ ngạt nước, 1 vụ điện giật, 1 vụ ngã cao.

Đình chỉ nếu không đảm bảo an toàn

Theo Bộ LĐTBXH nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ theo cơ quan chức năng, phần lớn do người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng các biện pháp an toàn, không cử người kiểm tra giám sát người lao động trong quá trình làm việc đảm bảo an toàn. Việc thực thi pháp luật còn kém như thiếu kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị, dụng cụ, không có sự kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, vận hành máy; không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, việc chuẩn bị các phương tiện lao động, đồ bảo hộ lao động đều thiếu hoặc không có,…Cùng với đó nhận thức của người lao động về an toàn lao động chưa cao, vẫn còn chủ quan và thờ ơ với công tác bảo hộ lao động khi làm việc.

Trước thực trạng trên để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ LĐTBXH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác này. Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động, TNLĐ; đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng. “ Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, công văn Bộ LĐTBXH nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao khó giảm tai nạn lao động?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO