Vì sao ta chưa có Nobel?

Ngọc Mai 22/03/2023 07:00

Gần đây, thị trường sách văn học chứng kiến sự trở lại của nhiều tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển. Tại phố sách Đinh Lễ ở khu vực Tràng Tiền (Hà Nội), không khó để tìm được một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn “cũ” của văn học trong nước mà hầu hết các tác giả đều đã chia tay thế giới này.

Góc sách nhà Mây (Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội).

Việc trở lại của những tác phẩm kinh điển trước hết là do bản thân các tác phẩm đó có sức cuốn hút theo chiều sâu, không làm phí thời gian của người đọc. Nhưng mặt khác cũng cho thấy đội ngũ viết mới chưa xác lập được vị trí trên văn đàn, chưa “song hành” được với tiền nhân.

Nhân đây, lại nói về khát khao văn học Việt Nam phải có giải Nobel. Vấn đề này được đặt một cách ồn ào trong văn giới. Nhưng ngẫm lại, nếu tự ta chưa chinh phục được ta thì làm sao thế giới công nhận. Chưa nói đến văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài khá hiếm hoi thì làm sao “người ta” biết đến “mình” được.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông nhận được thư đề nghị đề cử tác giả Việt Nam để xét giải Nobel văn chương năm 2022 từ Ủy ban Nobel (thuộc Viện Thụy Điển). Đó thực sự là một tín hiệu vui đối với văn học Việt Nam. Tiếc là khi nhận được thư thì thời hạn đề cử đã qua. Tuy nhiên, nói như ông Thiều, kể cả khi có thư đề nghị, chúng ta vẫn chưa tìm được tác phẩm xứng đáng để tự tin giới thiệu. “Suốt thời gian dài, chúng ta đã ẩn náu trong ngôi nhà của mình nên không ai nhận diện được. Để nhận diện một nền văn học, tạo những dấu ấn sắc nét trên bản đồ văn học thế giới thì chúng ta phải dịch thuật. Đương nhiên, đầu tiên và trước hết phải là sự lao động, sáng tạo của nhà văn, rồi anh sẽ gặp thế giới bên ngoài” - ông Thiều nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vẫn bày tỏ hy vọng khi cho rằng chỉ khoảng 10 năm, 20 năm nữa thôi những nhà văn trẻ hôm nay sẽ là chủ nhân chính của nền văn học. Ông Thiều cũng tâm sự rằng “thời chúng tôi đến với văn chương là điều rất thiêng liêng. Ở đó, chúng tôi ngồi xuống để viết là khát vọng, với tâm thế đang làm điều gì đó lớn lao. Kinh tế cho dù có phát triển đến đâu cũng không thể tách rời văn hóa và văn hóa trong thời kỳ nào cũng không thể tách rời lẽ sống, lý tưởng của con người. Lý tưởng không phải là điều gì cao sang, đó là khát vọng làm người tử tế, khát vọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những vẻ đẹp văn hóa con người, muốn chở che cho những thân phận khổ đau phải chịu bất công”.

Còn nhớ khẩu hiệu của Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tháng 6/2022) là: “Vì sao chúng ta viết”. Có người nói vui: Chúng ta viết vì giải Nobel. Thực ra, cách đặt vấn đề như vậy cũng không chỉ có ở những bộ óc hoang tưởng mà cũng là một sự mộng mị đáng yêu. Nhưng trước khi “vươn cao, bay xa” thì cần phải đứng vững trên mảnh đất quê hương mình, cùng buồn vui với nhân dân mình, đất nước mình. Hãy viết vì lẽ phải, vì một khát vọng sống. Đã viết thì dấn thân, không đắm đuối thì sẽ không có tác phẩm hay.

Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì hiện thực của đời sống hiện nay rất đa dạng. Tự do sáng tác, trình bày, công bố tác phẩm trên các phương tiện dễ dàng. Vậy vấn đề cần đặt ra là: Tại sao ta viết chưa hay chứ không phải là vì sao ta chưa có giải Nobel.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao ta chưa có Nobel?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO