Vị thuốc hay từ hạt hạnh nhân - 'nữ hoàng' của các loại hạt

21/11/2020 15:07

Hạnh nhân chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi ăn có mùi thơm và rất ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Nếu hạt óc chó được xem là “vua” của các loại hạt thì hạt hạnh nhân lại được dân gian ví như “nữ hoàng” của các loại hạt.

Theo TS Nguyễn Đức Quang, hạt mơ còn có tên hạnh nhân, khổ hạnh nhân. Hạt hạnh nhân từ xưa đã được ví như một loại “thức ăn siêu hoàn hảo” với những tính năng mà những loại hạt dinh dưỡng khác khó có thể mang lại. Hạnh nhân chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi ăn có mùi thơm và rất ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Nếu hạt óc chó được xem là “vua” của các loại hạt thì hạt hạnh nhân lại được dân gian ví như “nữ hoàng” của các loại hạt.

Cách dùng hạnh nhân rất đa dạng; có thể ăn sống như một bữa ăn nhẹ lành mạnh; là thành phần chính trong bơ hạnh nhân, sữa hạnh nhân, bột hạnh nhân; thậm chí có trong nhiều loại kem thoa cơ thể và nước hoa.

Hạnh nhân có hai loại: khổ hạnh nhân (nhân hạt mơ đắng) và cam hạnh nhân (nhân hạt mơ ngọt). Khổ hạnh nhân hay dùng làm thuốc hơn.

Về thành phần hóa học, hạnh nhân có 2-3% amygdalin, 40- 50% dầu béo, men (emulsin, amygdalase, prunase...). Theo Đông y, hạnh nhân vị đắng, tính ôn, có ít độc; vào kinh Phế và Đại trường.

Khổ hạnh nhân có chứa amygdalin, dưới tác dụng của men và dịch vị sẽ cho acid xyanhydric (HCN) và aldehyt benzoic. Aldehyt benzoic có tác dụng long đờm. Chất HCN có tác dụng với trung khu thần kinh, lúc đầu gây hưng phấn, sau ức chế có thể dẫn đến co quắp, sau đó hôn mê, nên không được uống quá liều lượng. Dùng sống rất dễ bị ngộ độc; nếu bị ngộ độc, có thể lấy 100-125g vỏ cây mơ, sắc uống để giải độc.

Hạnh nhân có tác dụng trừ đàm chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho người bị viêm khí phế quản, hen suyễn, ho, viêm họng, táo bón. Ngày dùng 4-10g, bằng cách nấu, ướp, chưng hầm.

Món ăn thuốc có hạnh nhân

Hạnh nhân ướp đường phèn: hạnh nhân, đường phèn, liều lượng bằng nhau. Hạnh nhân ngâm vào nước sôi, bóc bỏ vỏ màng; nghiền trộn với đường. Ngày ăn 2 lần sáng và chiều, mỗi lần ăn 9g. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày đờm dính.

Hạnh lê ẩm: hạnh nhân 10g, lê to 1 quả. Lê gọt vỏ thái lát. Hai thứ nấu chín, thêm chút đường phèn khuấy cho tan đều. Dùng tốt cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp tính dạng viêm khô, nóng sốt, ho khan ít đờm.

Cháo hạnh nhân: hạnh nhân 10g, gạo tẻ 60-100g. Hạnh nhân bóc vỏ ngoài, đập vụn nấu với gạo thành cháo. Dùng cho người hen suyễn cấp phù nề, tiểu dắt, tiểu buốt.

Hạnh nhân trư phế thang: phổi lợn 200g, hạnh nhân 10g, mật ong 100ml, gừng tươi 10g. Đem phổi lợn thái lát; nấu với gừng và hạnh nhân, ăn trong ngày. Dùng tốt cho bệnh nhân ho gà, ho khan từng cơn dài ngày.

Cháo hạnh nhân tử tô: hạnh nhân 10g, tô tử 15g, lai phục tử 15g, gạo tẻ 100g. 3 dược liệu nấu lấy nước bỏ bã, nấu với gạo thành cháo. Ngày làm 1 lần, chia 2 lần ăn (sáng, chiều). Dùng tốt cho bệnh nhân bị hen phế quản (suyễn) thở có tiếng ngáy rít trong họng, đầy tức vùng ngực, ho đờm trắng loãng, sợ lạnh, sốt nóng, đau mỏi toàn thân.

Gà hầm hạnh nhân: gà mái ta 1 con (khoảng 1kg), hạnh nhân 45g. Gà làm sạch, chặt bỏ đầu, cổ, ruột; hạnh nhân đảo trong nước sôi vài phút bóc bỏ vỏ ngoài. Gà và hạnh nhân đặt trong bát tô to; thêm dấm, muối, gừng, hành và chút nước. Đun cách thủy trong 2 giờ. Món này rất tốt cho bệnh nhân viêm khí phế quản mạn, lao phổi, táo bón.

Lưu ý: Người bị tiêu chảy cấm uống. Không dùng quá liều (người lớn 12g, trẻ em 4g).

Hạnh nhân được dùng làm thuốc trong các trường hợp

Tuyên phế, bình suyễn: Chữa viêm phế quản, hen phế quản.

Bài 1: khổ hạnh nhân 8g, tô diệp 8g, cát cánh 8g, chỉ xác 8g, quất bì 8g, gừng sống 8g, phục linh 12g, tiền hồ 12g, pháp bán hạ 8g, đại táo 8g. Sắc uống. Chữa ho, hen suyễn, cảm mạo do lạnh (phong hàn).

Bài 2: cam hạnh nhân 200g, nước ép gừng tươi 80g, tử uyển 63g, ngũ vị tử 63g, vỏ rễ dâu 70g, bối mẫu 70g, mộc thông 70g. Sắc lấy nước và cô đặc, thêm mật ong cô thành cao. Mỗi lần uống 1 thìa, ngày 2 lần. Chữa ho lâu ngày, có tiếng rít.

Nhuận tràng, thông đại tiện: hạnh nhân 12g, bá tử nhân 12g, hỏa ma nhân 12g. Sắc uống. Chữa người già hoặc phụ nữ sau khi đẻ bị táo bón.

Theo một số nghiên cứu và phân tích của y học cổ truyền, hạnh nhân có tác dụng chữa một số bệnh sau:

Ngăn ngừa bệnh tim và cơn đau tim:

Các axit béo không bão hòa và chất chống oxy hóa lành mạnh mà hạnh nhân có thể ngăn ngừa được một số vấn đề về tim mạch. Hạnh nhân còn chứa chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa. Một số khoáng chất arginine, đồng, magie, mangan, canxi và kali cũng được xem là tốt cho sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, hạnh nhân có tác dụng giảm nồng độ LDL cholesterol (cholesterol “xấu”) ở bệnh nhân có hàm lượng cholesterol cao và người bị đái tháo đường.

Hỗ trợ chức năng não bộ:

Nhờ việc sở hữu chất dinh dưỡng độc đáo riboflavin và L-carnitine – là những chất tác động tích cực lên hệ thần kinh và ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức ở người. Ăn nhiều hạnh nhân có tác dụng giảm biểu hiện của chứng rối loạn chức năng não: mất trí nhớ, bệnh Alzheimer.

Nuôi dưỡng làn da và bảo vệ da:

Hạnh nhân là nguồn vitamin E và chất chống oxy hóa phong phú. Bổ sung hạnh nhân trong khẩu phần ăn uống giúp nuôi dưỡng làn da, bảo vệ da khỏi sự tấn công của tuổi tác, tia cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chất béo lành mạnh có trong hạnh nhân cũng hỗ trợ khả năng giữ nước và chữa lành vết thương trên da.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:

Hạnh nhân không chứa carb (tinh bột) nhưng lại chứa thành phần chất xơ tương đối cao. Theo đó, hàm lượng magie có trong hạnh nhân cũng giúp hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Đây được xem là loại thức ăn lý tưởng cho bất cứ ai gặp vấn đề về lượng đường trong máu.

Chống viêm và co thắt

Một số nghiên cứu cho biết, hạn nhân có khả năng chống co thắt, chóng viêm, có thể được dùng như thuốc bổ. Bên cạnh đó, hàm lượng canxi trong hạnh nhân đặc biệt tốt cho xương và não bộ.

Giảm đau đầu

Do hàm lượng magie cao nên hạnh nhân có thể giảm chứng đau đầu. Magie khi được cơ thể hấp thụ sẽ làm dịu các mạch máu. Với người thường xuyên bị đau đầu, hạn nhân có thể là một lựa chọn hữu ích để khắc phục.

Ngoài ra, hạnh nhân còn giúp giảm cân, giảm cơn thèm ăn, cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể, chống lão hóa cho da, làm đẹp da và tóc.

Giảm nguy cơ ung thư

Nhờ vào hàm lượng chất chống oxy phong phú, ăn nhiều hạnh nhân có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư.

Kiêng kỵ: Trong quá trình dùng hạnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây:

Không dùng hạnh nhân nếu bạn bị dị ứng với nguyên liệu trên. Dị ứng với hạnh nhân có thể làm xuất hiện các triệu chứng như: đau dạ dày, chuột rút, buồn nôn, ói mửa, khó khăn khi nuốt, tiêu chảy, ngứa…

Không ăn hạnh nhân liên tục trong nhiều ngày vì hàm lượng chất béo và calo phong phú có thể khiến bạn tăng cân. Ngoài ra, hàm lượng lớn chất xơ trong nguyên liệu trên cũng dễ dẫn đến chứng khó tiêu, đầy bụng.

Hạnh nhân chứa nhiều mangan – chất khoáng có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một số loại thuốc trị bệnh như thuốc chống axit, thuốc nhuận tràng… Do đó, không dùng đồng thời chúng với nhau. Ngoài ra, hàm lượng mangan cần thiết cho cơ thể từ 1.3 – 2.3 mg, do đó chỉ nên ăn hạnh nhân với hàm lượng vừa phải đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Không ăn hạnh nhân khi bị tiêu chảy.

Hạnh nhân có vị đắng do chứa hàm lượng axit hydrocyanic cao. Ăn hạnh nhân quá nhiều có thể gây một số vấn đề về thần kinh, hô hấp.

Theo PV (tổng hợp)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thuốc hay từ hạt hạnh nhân - 'nữ hoàng' của các loại hạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO