Viết cho thiếu nhi không đơn giản

An Sinh 01/06/2023 06:13

Với nhà thơ Huỳnh Mai Liên, tác giả của một số tập thơ, truyện tranh viết cho thiếu nhi: “Biển là trẻ con”,?”, trẻ em ngày nay thông minh và có sự độc lập. Những ước mơ vì thế cũng khác so với thế hệ trước. Nhưng mẫu số chung về tình yêu thương, tình cảm gia đình của trẻ em mọi thời đại đều như nhau. Nếu người lớn chú ý và tôn trọng, các bạn nhỏ sẵn sàng mở rộng cho chúng ta bước vào thế giới ấy. Vì vậy, viết cho thiếu nhi không phải là việc đơn giản hay nhẹ nhàng.

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhân dịp ra mắt tập thơ “Nhà mình vui nhất” tại Phố sách Hà Nội.

Bài thơ “Đất nước là gì?” của nhà thơ Huỳnh Mai Liên viết, được chọn in trong Sách giáo khoa lớp 3 (tập 2), nhưng ít ai biết chị là tác giả kịch bản phim hoạt hình “Thỏ và Rùa” (giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ XVI, giải Biên kịch xuất sắc), cũng như phim hoạt hình “Khu đầm có cánh”, “Khúc nhạc diệu kỳ”... Vừa qua, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chị cho ra mắt bạn đọc nhí tập thơ mới “Nhà mình vui nhất” cùng chương trình “Tiệc thơ” tại Sân khấu Trung tâm Phố sách Hà Nội.

Nữ nhà thơ quan tâm tới đề tài thiếu nhi có lẽ do một phần tuổi thơ của chị là một thế giới rộng mở với những đứa trẻ chân trần lấm láp sống với thiên nhiên, ruộng đồng, cây cối. Cũng giống như những đứa trẻ lớn lên trong thời bao cấp, khi còn là cô bé con, chị đeo chìa khóa vào cổ, hễ ba mẹ đi làm là chạy ra ngoài đường, ngoài đồng, lăn lê cả ngày ở đó. Vì thế, tâm hồn chị gắn với đất đai và cỏ cây, những buổi bắt cua, bắt cá trên đồng.

Những năm 1990, chị thích đọc những bộ truyện tranh do cậu em trai thuê về hay những tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn nước ngoài được dịch ra tiếng Việt. Huỳnh Mai Liên sáng tác từ những lý do tình cờ song lại diễn ra hết sức tự nhiên. Chị được em trai - Đạo diễn phim hoạt hình Huỳnh Vĩnh Sơn, khi đó đang làm việc tại Hãng phim Giải phóng đặt hàng, do muốn dồn kinh phí cho làm phim nên… tiện nhất là nhờ chị gái viết.

Khi viết kịch bản phim hoạt hình, điều khiến chị cảm thấy thú vị là đưa trí tưởng tượng bay xa cùng với những nhân vật, qua đó gửi tới các bạn nhỏ những chuyến phiêu lưu, khám phá thế giới. Thỏ và Rùa là hai bạn nhỏ của thời hiện đại với đường đua siêu tốc và hiện đại của thành phố Rau muống (phim Thỏ và Rùa). Ở kịch bản tiếp theo, chị mong muốn tạo ra một nhân vật chưa từng có ở Việt Nam. Trong khi đi tìm ý tưởng, chị đã ghé vào Vườn Bách Thảo. Lúc ngồi ven hồ nước suy nghĩ, thấy những vệt bong bóng từ dưới nổi lên, thế là nhân vật chú bé Bong Bóng ra đời (Khu đầm có cánh)…

Những bài thơ đầu tiên cho thiếu nhi của Huỳnh Mai Liên là chùm 8 bài trong Lớp học Cầu vồng (năm 2016): “Biển là trẻ con”, “Bé tập vẽ”, “Voi con làm mưa”, “Nhà Gà tập hát”, “Bé đi xe đạp”, “Bé vào vũ trụ”, “Tập đếm”, “Đỏ - Vàng và Lam”. Đây là những đề bài được đặt hàng theo các chủ đề liên quan tới chương trình như Biển, Gia đình, Giao thông… Dù là viết theo đặt hàng, nhưng nữ nhà thơ không bị cảm giác gò bó mà sáng tác bằng cảm xúc của mình và ngay lập tức được ê kíp đón nhận. Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng mạch thơ chưa dừng lại, tập thơ đầu tiên - “Biển là trẻ con” đã ra đời ngay năm đó.

“Sáng tác cho trẻ em có ý nghĩa rất lớn với tôi, bởi đó là một phần bên trong của tôi, giống như một cái cây sẽ đội nắng đội mưa để lớn lên. Và khi viết, những đề tài mới sẽ luôn xuất hiện và giục giã tôi đừng từ bỏ công việc dù vất vả này” - Huỳnh Mai Liên tâm sự.

Chị mong muốn những bài thơ của mình phần nào khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương con người, cuộc sống để những em bé hôm nay lớn lên với trái tim nhân ái, yêu thương. Lúc này, chị đang dành thời gian cho tập thơ mới về Hà Nội. “Tôi mong muốn những bạn nhỏ sẽ cùng tìm hiểu và thêm yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến của đất nước mình với một cách tiếp cận ngộ nghĩnh trẻ thơ “Con vẽ Hà Nội/ Bắt đầu từ đâu/Chọn một cây cầu/ Hay là hồ nước?”…(Nụ cười Hà Nội). Sẽ có nhiều khó khăn và thử thách đang chờ đợi tôi ở phía trước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết cho thiếu nhi không đơn giản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO