'Việt Nam chiến thắng bệnh lao'

Thanh Bình 29/04/2023 07:00

Cuối tháng 3/2023, tại Hà Nội, Chương trình chống lao Quốc gia cùng Bệnh viện Phổi trung ương đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao, với chủ đề "Việt Nam chiến thắng bệnh lao". Tới nay, có thể khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu về chống lao - căn bệnh vẫn là nỗi ám ảnh của con người.

Thăm khám cho bệnh nhân lao. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam cam kết cùng thế giới

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác chống lao, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.

Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao: có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những “chi phí thảm họa” - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Đáng chú ý, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

“Với chủ đề “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao, Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu, đây là một mục tiêu hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm, đồng thời vừa là động lực lớn với các nước trên thế giới về mô hình tốt đã làm giảm dịch tễ bệnh lao trong những năm gần đây” - ông Thuấn cam kết.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hiện nay, hoạt động phòng, chống bệnh lao cũng chưa được đầu tư và ưu tiên thỏa đáng, thiếu nguồn lực và tài chính để triển khai một cách đồng bộ và toàn diện. Bên cạnh đó, hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ, người dân kỳ thị, mặc cảm chưa quan tâm đến trách nhiệm và quyền lợi chăm lo sức khỏe cho mình, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đã làm lây lan bệnh cho người khác, hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Xuất phát từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn Bộ Y tế có sự chỉ đạo sát sao, vận động sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho Chương trình chống lao quốc gia để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Theo TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia, 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, và Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020 và năm 2022 phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 (năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch).

Như vậy, công tác phòng, chống bệnh lao tuy đã được triển khai liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thể tiệm cận với việc thanh toán triệt để căn bệnh lây lan nguy hiểm này. Vì thế phía trước vẫn là chặng đường khó khăn, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả xã hội. Đặc biệt, Chương trình phòng, chống lao cần nguồn tài chính bền vững để có điều kiện triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện; thêm điều kiện để mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở đa khoa và chuyên khoa.

Quyết tâm thanh toán bệnh lao vào năm 2030

Bệnh lao tiếp tục là nguyên nhân tạo ra gánh nặng trong xã hội hiện đại. Cùng với việc cướp đi sinh mạng nhiều người thì bệnh lao đẩy nhiều gia đình vào cảnh đói nghèo. Khảo sát quốc gia cho thấy 21% hộ gia đình rơi xuống dưới mức nghèo sau khi được chẩn đoán mắc bệnh lao.

Để tiếp tục quyết tâm thanh toán bệnh lao vào năm 2030, ngành Y tế cũng như các bệnh viện cụ thể đã có nhiều giải pháp thiết thực. Cụ thể như Chương trình chống lao tại TPHCM phối hợp với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế TPHCM và Tổ chức Friends for International TB Relief (một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Đức) và đặc biệt là hệ thống mạng lưới y tế cơ sở đã phối hợp thực hiện các hoạt động sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn. Kế hoạch được triển khai tại 10 quận của TPHCM.

Rất đáng chú ý là thời gian gần đây, để có thời gian mở rộng phạm vi bao phủ tiêm chủng phòng, chống bệnh lao, từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước đã có nhiều nỗ lực duy trì hoạt động phát hiện và điều trị bệnh lao như một ưu tiên y tế, bằng cách thực hiện thí điểm chiến lược lồng ghép sàng lọc lao vào các sự kiện tiêm chủng Covid-19. Nhất là ở các thành phố lớn có điều kiện về y tế. Phương pháp tiếp cận tích hợp này nhằm chẩn đoán sớm hơn những người mắc bệnh lao và Covid-19, giúp giảm thời gian lây nhiễm và khả năng lây truyền bệnh.

Có thể nói, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với kế hoạch “Hoạt động can thiệp dự phòng, tìm kiếm ca bệnh và kết nối điều trị trong Chương trình chống lao tại TPHCM”, được UBND thành phố phê duyệt đã và đang là điểm sáng của chương trình thanh toán bệnh lao, khi đề ra mục tiêu sàng lọc lao tại cộng đồng.

Chỉ còn 7 năm nữa, Việt Nam sẽ tới thời điểm hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng chương trình sẽ tiếp tục nỗ lực để "về đích" đúng hạn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc.

TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương:

Chung tay để sớm đẩy lùi bệnh lao

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỉ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.

Vì vậy, năm 2023 là một năm đặc biệt quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc, chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao. Chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, dự phòng bệnh lao để cứu sống thêm hàng triệu người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Việt Nam chiến thắng bệnh lao'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO