Virus có lây qua khu thông gió chung cư?

T.H. 15/08/2021 08:32

Tuần qua, câu chuyện được khá nhiều người sống ở các khu chung cư cao tầng quan tâm, thắc mắc đó là virus gây dịch bệnh Covid-19 có lây qua hệ thống giếng trời ở chung cư hay không?

Băn khoăn này xuất hiện khi một số hộ dân sống ở một khu chung cư tại TP HCM mắc Covid-19. Các hộ này có đặc điểm: cùng trục dọc các tầng.

Người dân băn khoăn cũng bởi, trước đó, có khuyến cáo rằng virus có thể lây qua đường không khí. Chính vì thế, nhiều hộ dân sống ở chung cư đã đóng kín cửa sổ, lấy vật liệu cứng bịt kín các hệ thống thông gió, thậm chí dừng sử dụng hệ thống điều hòa để phòng dịch bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một trong những chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở TP HCM cho biết, giếng trời chung cư là lấy gió từ trên trời thổi vào các căn hộ, chứ không thể tự nhiên từ căn hộ thổi ngược lên trên. Cũng không có chuyện người F0 sống trong căn hộ, hơi thở lại thổi vào ô thông gió.

Trong khi đó, theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), việc lây lan virus còn tùy thuộc vào luồng gió và chúng ta chưa thể chứng minh được các căn hộ trong chung cư có thể lây chéo Covid-19 cho nhau do hệ thống thông gió.

“Chỉ những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nhau mới có thể dẫn đến lây lan virus” - bác sĩ Hùng nói. Ông lấy ví dụ 2 căn hộ cạnh nhau, một căn đang có F0 cách ly nhưng căn còn lại chủ quan, lơ là, vẫn ra hành lang hít thở không khí thì hoàn toàn có thể lây nhiễm.

“Trong nhà có 2 phòng, trong đó có một phòng cách ly F0, nhưng cửa chung thì việc lây lan virus có thể xảy ra vì bầu không khí thông với nhau, virus có thể đi theo không khí, theo các luồng gió kéo theo vẫn có thể lây được”, theo bác sĩ Hùng.

Vị bác sĩ này tư vấn: Trừ khi căn hộ đối diện có F0, mà căn hộ mình có cửa sổ quay ra căn đối diện, hoặc quay ra hành lang đi chung thì cửa sổ nên được đóng chặt.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói: “Nếu virus có lan qua các đường ống thông gió thẳng đứng thì khi ở ngoài trời, lượng không khí di chuyển rất nhiều sẽ khuếch tán vào không gian nên không đủ tải lượng virus để lây lan. Virus bị tiêu diệt một cách tự nhiên ở nhiệt độ cao, vì thế cần điều tra rõ ràng để đánh giá khách quan”.

Cũng theo ông Phu, với SARS-CoV-2, phải có sự tiếp xúc giữa người với người. Virus lây lơ lửng trong không khí và trong giọt bắn rất nhỏ thổi từ buồng nọ sang buồng kia mà người khác hít phải không khí mới có thể lây bệnh.

Theo ông Phu, nếu quạt của các nhà vệ sinh lại thông với đường thông gió chính để hút không khí ở đường thông gió chính vào buồng vệ sinh (điểm giao lưu) thì cũng có nguy cơ lây bệnh và cần phải điều tra làm rõ. Còn nếu hệ thống thông khí đó hút ra ngoài thì không thể khẳng định không khí ở đường thông gió chung có thể quay trở lại vào nhà vệ sinh.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các chung cư, nhà cao tầng, theo ông Trần Đắc Phu, các ca bệnh Covid-19 cách ly tại nhà cần mở cửa sổ thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Virus có lây qua khu thông gió chung cư?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO