Vội vã nhượng quyền thương hiệu

THANH GIANG 03/02/2021 07:31

Thay vì, đầu tư vào những ngành truyền thống như: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế…, thời gian gần đây, hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ ở các mô hình khác.

Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA) cho hay, Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như: Thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia khẳng định, nhượng quyền thương hiệu đang có sự thay đổi về ngành đầu tư. Thay vì, đầu tư vào những ngành truyền thống như: thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế…, thời gian gần đây, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình khác.

Cụ thể là kinh doanh ứng dụng công nghệ; mô hình làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng,...nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm; mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nhượng quyền có đóng góp đáng kể vào GDP và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Nhượng quyền tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp. Không những vậy, doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được đáng kể chi phí tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng”-theo ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc ITPC.

Kỳ vọng khá nhiều vào nhượng quyền thương hiệu, song nhiều doanh nghiệp cho rằng, không dễ dàng có thể đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền. Ông Lê Đăng Khoa – Chủ tịch Le Group Ventures thừa nhận: “Doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường cũng như những biến cố bất ngờ, chẳng hạn như đại dịch Covid – 19”. Một số doanh nghiệp nêu quan điểm, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, chủ động nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống.

Cũng theo bà Nguyễn Phi Vân, trong tương lai nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản; những mô hình linh hoạt; đa dạng kênh doanh thu; đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh; ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có một mô hình nhượng quyền bền vững doanh nghiệp phải quan tâm tới 5 yếu tố bao gồm: Thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vội vã nhượng quyền thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO