Vụ nhà máy ‘khủng’ xây không phép ở Lạng Sơn: Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm

Đại Dương (thực hiện) 04/02/2021 06:30

Liên quan đến hệ thống nhà máy lắp ráp xe điện “khủng” của Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật xây dựng không phép trên đất ở nông thôn tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn (Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh), Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể, tính chất và mức độ vi phạm thì các hành vi vi phạm (nếu có) sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV: Theo Luật sư, việc để một công ty xây dựng Nhà máy lắp ráp xe điện trên đất ở và đất nông nghiệp khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhiều năm mà các cơ quan chức năng không xử lý thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan, cá nhân nào?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định của pháp luật, để triển khai thực hiện một dự án đầu tư, trong đó có việc sử dụng đất và xây dựng các công trình của dự án thì phải trải qua những thủ tục và tuân thủ những quy định rất chặt chẽ của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và rất nhiều các văn bản pháp quy có liên quan khác.

Chỉ khi hoàn thành các thủ tục về cấp phép đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xin phép xây dựng và rất nhiều các thủ tục pháp lý cần thiết khác thì chủ đầu tư mới có quyền tiến hành đầu tư, xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc để một dự án chưa hoàn thành các thủ tục cơ bản nhất (chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường) thực hiện việc đầu tư xây dựng cho đến khi khánh thành công trình mà không bị phát hiện và xử lý thì có trách nhiệm rất lớn trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tại địa phương.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Trong vụ việc có những vi phạm, cũng như trách nhiệm thuộc về các cơ quan và cá nhân cụ thể nào còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra, thanh tra và xác minh của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo những quy định và nguyên tắc quản lý nhà nước thì trách nhiệm trong các vụ việc này sẽ thuộc về Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực chuyên môn có liên quan, cũng như các đơn vị quản lý và thanh tra về quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, xây dựng của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND Thành phố Lạng Sơn và UBND xã Hoàng Đồng, cũng như các đơn vị và cá nhân có liên quan khác.

Theo Luật sư, có hay không việc bao che của chính quyền địa phương khi mà một công trình lớn hơn 40.000m2 xây dựng công khai, hoạt động công khai mà chính quyền địa phương không phát hiện, không xử lý vi phạm?

- Ở đây có dấu hiệu của những yếu kém, thiếu trách nhiệm và sai phạm nghiêm trọng, khó chấp nhận trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm. Trường hợp này có thể gây ra những hoài ghi trong dư luận xã hội về sự bao che, cố tình bỏ qua vi phạm của các cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có thẩm quyền tại địa phương.

Đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm này có thể bị xử lý như thế nào?

- Việc xác định hành vi vi phạm và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan và đơn vị có liên quan phải dựa trên kết quả kiểm tra, thanh tra và xác minh của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể, tính chất và mức độ vi phạm thì các hành vi vi phạm (nếu có) sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ nhà máy ‘khủng’ xây không phép ở Lạng Sơn: Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO