Vui sao nước mắt lại trào…

Trần Thanh Phương 01/05/2020 07:30

Cuộc đời của một con người, sức sống của một dân tộc đôi lúc đổi thay như giấc chiêm bao! Những ngày này của tháng Tư năm Bảy mươi lăm là một trong những ngày đẹp nhất của một đời người Việt Nam chúng ta nửa cuối thế kỷ XX.

Vui sao nước mắt lại trào…

Nhân dân thủ đô Hà Nội tập trung tại Bờ Hồ nghe loa phóng thanh tin Sài Gòn giải phóng, ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Những ngày cuối tháng Tư năm Bảy mươi lăm, điều ấy không còn quan trọng nữa, không còn độc quyền của mỗi riêng ai. Mọi tin chiến thắng nhanh chóng được phát trên làn sóng đài phát thanh, đăng trên báo chí, trên nhiều bản tin in vội. Ở Hà Nội người ta còn viết những dòng tin chiến thắng nóng hổi trên nhiều bảng đen treo ở nơi công cộng. Người ta viết bằng nhiều kiểu chữ to hết cỡ với những màu sắc rực rỡ nhất. Như chưa thỏa, người ta còn trương lên những bản đồ miền Nam, phân vạch từng tỉnh, từng thành phố để theo dõi chiến thắng. Và kẻ những mũi tên chỉ những đường Quân giải phóng tấn công địch…

Đậm nét nhất cho việc này là tấm bản đồ khổng lồ treo trước cửa Câu lạc bộ Thống Nhất bên Hồ Gươm- nơi dành cho người miền Nam tập kết. Ở đây, suốt ngày đêm người và người, ánh mắt và ánh mắt. Đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi miền quê từ bờ Nam sông Bến Hải cho đến chót mũi Cà Mau. Bao nhiêu cặp mắt là bấy nhiêu niềm thiết tha khi nhìn lên tấm bản đồ quê hương lần lượt được giải phóng (tỉnh nào được giải phóng thì sơn màu đỏ). Đối với tôi, chưa bao giờ tôi thấy giá trị của màu đỏ như những ngày này. Sau khi ta giải phóng được Tây Nguyên, giải phóng Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang… ta chiến đấu quyết liệt với địch ở Xuân Lộc nhiều ngày. Vì sốt ruột quê hương mình chậm giải phóng so với các địa phương khác, chiều 29/4, một ông người Cà Mau nghĩ cách “động trời”: “Đêm nay, chờ người ta ngủ hết, tôi mang sơn đỏ đến sơn vùng đất Nam Bộ mình. Cả Côn Đảo, Phú Quốc, Cà Mau, tôi sơn thật đỏ, thật đỏ để cho mọi người biết rằng nơi quê tôi đánh giặc rất cừ và Tổ quốc ta đã thống nhất toàn vẹn”. Tất nhiên là ông này nói vui cho thỏa nguyện ước chớ ai lại dám đùa bỡn cái điều thiêng liêng trong những ngày trọng đại ấy.

Chung quanh tấm bản đồ giải phóng còn một chuyện vui nữa: Sau khi thành phố Đà Nẵng giải phóng, một ông quê ở Bình Định chính cống nhưng lại dám nói rằng quê ở Đà Nẵng. Mấy ngày sau giải phóng tới Quy Nhơn, Nha Trang, lại có ông ở Đà Nẵng quả quyết rằng “tôi là dân Bình Định, dân Khánh Hòa…’. Đến trưa ngày 30/4, sau khi lá cờ cách mạng cắm trên dinh Độc Lập thì rất nhiều người vỗ ngực la hét một cách tự hào rằng: Quê chính của tôi là ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Có nhiều ông còn khoe cụ thể: Nhà tôi ở Phú Nhuận hoặc Gò Vấp hoặc Thị Nghè, hoặc bên kia cầu Chữ Y. Có người còn nhớ lại cả đường phố, số nhà, nói lại những kỷ niệm thời thơ ấu mà họ sống ở đó. Có đúng thật vậy không, chẳng cần truy hỏi. Miễn ai đó reo lên “tôi là dân Sài Gòn” thì lập tức người ấy bị vòng người vây kín lại mà chúc mừng đến cuồng nhiệt… Một số bà con người Hà Nội không còn giấu giếm gì nữa, tuyên bố thẳng thừng rằng, tôi có người nhà làm ăn tại Sài Gòn từ năm mươi tư, điều mà trước đây chẳng mấy ai nói ra. Vì bắt đầu từ hôm nay, ai cũng hiểu rằng Sài Gòn là của chúng ta, Sài Gòn là cách mạng, Sài Gòn là tiêu biểu cho cái gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất trong những ngày lịch sử này. Cho nên ai cũng muốn sống những giây phút thật nhất, hồn nhiên nhất của lòng mình.

Lúc bấy giờ, tôi đang công tác ở Ban miền Nam của báo Nhân Dân, được phân công soạn những tư liệu về địa phương vừa mới giải phóng. Tôi còn nhớ: Bài giới thiệu về tỉnh Quảng Trị đăng báo Nhân Dân số ra ngày 21/3/1975; Quảng Ngãi ngày 26/3/1975; Lâm Đồng ngày 30/3/1975; thành phố Đà Nẵng ngày 31/3/1975; Bình Định ngày 2/4/1975; Phú Yên ngày 3/4/1975; Ninh Thuận ngày 18/4/1975; Bình Thuận ngày 20/4/1975…

Những ngày cuối tháng Tư năm Bảy mươi lăm, tôi gặp một số người Hà Nội có con em chiến đấu ở miền Nam thì nỗi vui mừng sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn. Họ nói: “Giải phóng rồi, tôi sẽ gặp lại con tôi”; “Hòa bình rồi, chồng con tôi sẽ đoàn tụ…”. Một chị ở khu tập thể Nam Đồng (gần Gò Đống Đa), Hà Nội, có chồng chiến đấu ở Cà Mau từ năm 1964, nôn nao đón từng tin chiến thắng. Chị nói: “Cà Mau là nơi xa nhất, ở đấy có chồng tôi. Nếu giải phóng Sài Gòn, giải phóng Cà Mau, thì nhất định tôi sẽ gặp chồng tôi. Cho nên đối với tôi, Cà Mau xa thì cũng thật là xa, mà gần cũng thật là gần”. Người phụ nữ thường ít thổ lộ tình cảm với chồng mình trước mặt đông người, vậy mà ngày cuối tháng Tư năm ấy, người ta nói một cách bộc trực, hồn nhiên sự chờ đợi, sự nhớ thương, nôn nả cái giờ phút sắp gặp nhau.

Bảy giờ tối ngày 21/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đọc bài phát biểu từ chức rất dài. Những người làm báo chúng tôi mở radio bắt đài Sài Gòn nghe rõ từng lời của Nguyễn Văn Thiệu oán trách Chính phủ, Quốc hội Mỹ và thú nhận việc thua trận của quân đội cộng hòa. Xin trích một đoạn cuối: “…Tôi đã đưa tất cả tướng lãnh ra đó, mấy ông tướng tư lệnh vùng và trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nằm dưới quyền tư lệnh của ông tướng tư lệnh vùng khác hoàn toàn đấy, không nề hà cấp bậc, không nề hà nguy hiểm. Nhưng mà thế quân yếu, phương tiện thiếu, chống đỡ rồi cũng phải mất Phan Thiết cũng vậy, cho đến tình trạng ngày nay đã phải cố gắng sắp xếp để mà bảo vệ vùng 3, vùng 4 của ta cũng trong một cái thế chỉ dựa vào cái can đảm và cái quyết tâm của chiến sĩ, cái sự ủng hộ của đồng bào, cái sự hy sinh tối đa của chiến sĩ mà bảo vệ, chứ không có thể nói rằng dựa trên cái quân số và vũ khí mà nói.

Chiến trận trong những ngày sắp tới sẽ rất cam go, sẽ rất ác liệt, sẽ rất thử thách cho quân đội chúng ta.

Hôm nay trước lưỡng viện Quốc hội, trước tối cao pháp viện, tôi trân trọng trước đồng bào, trước anh em chiến sĩ, cán bộ toàn quốc:Tôi tuyên bố từ chức Tổng thống”.

Đêm 29/4. Một chị công tác chung với tôi, chị Hoa Lý, mẹ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hiện nay, quê ở Rạch Giá, gõ cửa phòng tôi, nói như muốn run lên:

- Cậu mang bài viết về Sài Gòn sang tòa soạn báo ngay. Bộ đội chủ lực của mình đã tiến tới các cửa ngõ Sài Gòn rồi! Lẹ lên!

Tôi mừng đến nổi gai ốc. Có thật như vậy không? Ai báo cho chị cái tin lớn lao ấy? Dạo Tết Mậu Thân, chúng tôi từng nhận là đưa lên báo không được bao nhiêu tin tức, bài vở về cuộc chiến đấu của ta trên đường phố Sài Gòn. Nhưng cớ sao hôm nay lòng ai cũng nao nao chờ đón một cái gì khác thường nhưng lại tất yếu ấy.

Thì ra trong những ngày 27, 28 tháng 4 năm 1975, nhiều cán bộ đã thường xuyên liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh, với Ban Thống nhất Trung ương và nhiều cơ quan có trách nhiệm khác nên biết ngày giải phóng đã chắc chắn đến nơi. Cho đến lúc bấy giờ có một số gia đình cán bộ rủ nhau đi mua pháo, có gia đình mua tới 2-3 phong pháo để chờ khi Đài Phát thanh Hà Nội báo tin quân đội ta đã giải phóng Sài Gòn là đốt mừng liền. Tại các cửa hàng bách hóa Tràng Tiền, Hàng Bài, phố Huế, Hàng Da, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Cửa Nam… nhiều đồng bào cũng đi mua pháo như đi sắm tết.

Nhiều người vẫn chưa biết chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra như thế nào, nhưng ai nấy đều cảm thấy có cái gì dữ dội, sấm sét, có cái gì thật quyết định đối với vận mệnh dân tộc sắp được diễn ra. Người ta chờ đợi, người ta chuẩn bị chào đón một cài gì. Thời gian như ngừng lại, không gian như hẹp đi… Ngày hôm đó, 30 tháng 4, hầu như các cơ quan đều không làm việc, ngay đến bệnh viện cũng chỉ có bác sĩ, y tá trực và chăm sóc bệnh nhân- tự nhiên như thế chứ không có một lệnh ban hành nào. Người ta dễ dàng tha thứ hết mọi chuyện làm đảo lộn cả sinh hoạt.

Và thời điểm lịch sử tất yếu mà lạ lùng đã đến! Tất cả như gọi nhau đổ ra sân nhà, ngõ phố, đổ ra đường! Trên các đường phố, ở các khu tập thể, chung quanh Hồ Gươm… như choáng ngợp trước tin chiến thắng vĩ đại:

-Bà con ơi! Đồng bào, đồng chí ơi! Anh chị em ơi! Sài Gòn đã được giải phóng rồi!

-Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kéo lên ở dinh Độc Lập rồi! Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng rồi!

Đây đó người ta bàng hoàng reo lên trong dòng lệ. Hà Nội cười. Hà Nội khóc. Trái tim Tổ quốc đang đập những giờ phút xúc động nhất. Sau đó, chúng tôi lặng đi. Nhiều người thút thít khóc. Ở giây phút thiêng liêng này ai cũng nghĩ tới đồng bào, tới đồng chí, cán bộ đã hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng hôm nay. Ở những giờ phút “vui sao nước mắt lại trào”… đến sâu thẳm lòng người. Đó là giữa trưa 30 tháng Tư. Một đời người không dễ mấy ai sống được thời điểm đẹp đẽ ấy của đất nước- thời điểm mà mỗi người hằng thiết tha, ước mơ, chờ đợi trong suốt mấy mươi năm trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vui sao nước mắt lại trào…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO