Vùng lũ mở rộng diện tích trồng màu

Minh Trí 24/11/2019 08:00

Thực hiện mục tiêu chung sống với lũ, hai huyện đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang là Cai Lậy và Cái Bè chú trọng phát triển diện tích màu trên ruộng theo mô hình luân canh, chuyên canh, xen canh nhằm giảm thiệt hại do thiên tai; đồng thời, tăng nguồn thu nhập cho nông hộ, giúp giảm nghèo nông thôn.

Vùng lũ mở rộng diện tích trồng màu

Nông dân trồng màu trên chân ruộng.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã trồng trên 6.540 ha, vượt chỉ tiêu cả năm 2019. Nông dân đã thu hoạch được trên 125.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường. Tại huyện Cái Bè đã thực hiện 3.604 ha, đạt 105,69% kế hoạch năm và tăng 594 ha so cùng kỳ.

Huyện Cai Lậy cũng trồng gần 2.940 ha màu, hoàn thành kế hoạch cả năm 2019 trước thời hạn trên 2 tháng. Nông dân đã thu hoạch đạt sản lượng trên 60.800 tấn rau màu các loại, vượt gần 3% chỉ tiêu cả năm và tăng 1,64% so cùng kỳ năm trước.

Đây là hai huyện đầu nguồn vùng lũ tỉnh Tiền Giang có nhiều nỗ lực phát huy tiềm năng cây màu trong việc cụ thể hóa chủ trương chung sống với lũ, gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trồng trọt, đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội cho địa bàn khó khăn.

Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng màu cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè còn triển khai Dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hòa, xã An Cư. Bà con tham gia đã được chứng nhận VietGAP tổng diện tích 9,5 ha với 12 nông hộ tham gia, đơn vị chứng nhận là Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc, thời gian qua, hầu hết các loại rau màu được giá, năng suất cao nên thu nhập tăng gấp 2 đến 3 lần so trồng lúa độc canh nên nông dân rất phấn khởi.

Ông Sáu Điệu, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy nhiều năm nay áp dụng mô hình đưa cây ngô xuống trồng trên chân ruộng. Theo ông Sáu Điệu, thời gian sinh trưởng của ngô ngắn hơn cây lúa (chỉ từ 68 đến 75 ngày) nên mỗi năm có thể quay được từ 3 đến 4 vòng, thích nghi với những vùng đất canh tác khó khăn như địa bàn vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền, vùng nhiễm mặn ven biển Gò Công. Đầu ra của ngô thuận lợi, bán có giá từ 2.500 đến 3.000 đồng/bắp nên bình quân lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha trở lên; cao gấp 2 – 3 lần so trồng lúa độc canh trước đây.

Hiện diện tích trồng ngô ở hai huyện Cai Lậy và Cái Bè đạt khoảng 1.000 ha/vụ sản xuất. Đây là cây màu mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân địa phương.

Ngoài cây ngô, nông dân các huyện đầu nguồn sông Tiền còn trồng nhiều rau màu thực phẩm khác như: hành, hẹ, dưa leo, khổ qua… Các xã ven Đồng Tháp Mười như Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè), Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) trồng nhiều dưa hấu, tạo ra cơ cấu cây trồng đa dạng và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng lũ mở rộng diện tích trồng màu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO