Vương miện long đong

Đoàn Lê Quỳnh Trân 11/09/2016 09:00

Tuần qua, câu chuyện Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) có thể đối diện án chung thân khiến nhiều người than: “Hoa hậu ơi hỡi hoa hậu”. Thêm một lần nữa, vương miện Hoa hậu bị thử thách, cho thấy “người đại diện cho cái đẹp” cũng “nguy hiểm” chẳng kém ai, nhẹ thì thị phi, nặng thì tù tội.

Chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam 2016 là sự kết hợp
của 63 viên ngọc trai với 3.260 viên đá sapphire.

1. Vẫn biết, Hoa hậu thì cũng như người thường, cũng có đời sống riêng tư, tình cảm, cũng yêu ghét hờn giận, cả làm ăn kinh tế và tất nhiên là có cả sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm của người thường nếu không quá đặc biệt thì chẳng ai để tâm nhiều. Còn Hoa hậu, đã là người của công chúng thì nhất cử nhất động đều lọt vào tầm ngắm, người đại diện cho cái đẹp không thể có tì vết, lại càng không thể mắc lầm lỗi “tày trời”. Tiếc rằng, ở Việt Nam lại không hiếm những Hoa hậu như vậy.

Cũng trong tuần qua, tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh tiếp tục trở thành tâm điểm cho nhiều cuộc bàn luận. Sau khi chiếc vương miện trị giá 2,2 tỉ đồng được đội lên, trên nhiều diễn đàn, nhiều trang tin một số ý kiến cho rằng, vẻ đẹp của tân Hoa hậu “chẳng có gì đặc biệt”. Thậm chí, vài tiếng sau khi đăng quang, phòng khách và buồng ngủ nhà Hoa hậu trên phố cổ Hàng Đào đã bị chụp ảnh đưa lên báo mạng. Căng thẳng hơn, chiếc vương miện vừa đội lên đầu Đỗ Mỹ Linh cũng bị thử thách với các tít báo giật gân: “Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh dính nghi án sửa răng”, “Lộ hàng loạt bằng chứng chửi thề, Đỗ Mỹ Linh và hàng xóm nói gì?”, “Đỗ Mỹ Linh dính nghi án nói xấu giáo viên”…

Kèm theo đó là nhiều bình luận nặng nề. Đến mức, tân Hoa hậu phải lên báo thanh minh: “Khi đăng quang, mọi người có tìm lại những bài chia sẻ trước và nhận xét tôi nói chuyện có phần trẻ con. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành Hoa hậu nên hồi xưa vẫn rất vô tư và nghĩ đó cũng là chuyện rất bình thường thôi nhưng có nhiều người bình luận với những từ ngữ nặng nề với mình. Một phần tôi cảm thấy rất buồn nhưng hy vọng mọi người có thể hiểu khi tôi chỉ là một cô gái trẻ sẽ có những sai lầm và khuyết điểm. Trong tương lai tôi sẽ cố gắng khắc phục những điều đấy để xây dựng hình ảnh một Hoa hậu hoàn thiện hơn”.

Chuyện về hoa hậu Mỹ Linh chưa ngớt, thì lại rộ lên chuyện Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên phẫu thuật thẩm mỹ quá đà khiến ngoại hình bị biến dạng, khác thường. Số là mới đây, Kỳ Duyên xuất hiện với khuôn mặt khác lạ nên công chúng đã nghi ngờ cô đã phẫu thuật thẩm mỹ. Có lẽ Kỳ Duyên là trường hợp Hoa hậu vướng nhiều scandal nhất trong thời gian gần đây. Và chiếc vương miện hoa hậu được trao cho Kỳ Duyên cũng được đem ra bàn bạc một cách nghiêm túc nhất, xem rằng cô nên chủ động trả lại vương miện hoặc BTC nên tước vương miện Hoa hậu của cô hay không.

Cũng mới hơn tháng trước, hình ảnh Kỳ Duyên hút thuốc lá phì phèo ở nơi công cộng đã khiến dư luận dậy sóng. Kèm theo một nghi vấn cô say xỉn trong quán bar khiến nhiều người lên án gay gắt, đề nghị phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho những người khác. Bởi dù chưa có quy định, nhưng việc một đương kim Hoa hậu có những hành vi thiếu lành mạnh có tác động xấu tới thế hệ trẻ.

Chính vì vậy, những đơn vị liên quan đã quyết liệt vào cuộc và cuối cùng BTC đưa ra một quyết định với 2 nội dung: Khiển trách Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên vì đã có hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Hoa hậu Việt Nam cũng như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam; Yêu cầu Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên phải chấn chỉnh hành vi, lối sống, tích cực cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng; và: Đề nghị BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 không sử dụng hình ảnh và không để Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên tiếp tục đồng hành với các sự kiện tiếp theo của cuộc thi. Chính bởi vậy, trong đêm chung kết vừa qua, Kỳ Duyên đã không được lên trao vương miện cho tân Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đồng thời hình ảnh của Kỳ Duyên cũng hạn chế xuất hiện trong cuộc thi năm nay.

Những người đẹp phía Nam trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014. (Ảnh Hồng Vĩnh).

2. Trước Kỳ Duyên, nhiều người vẫn nhớ có 2 Hoa hậu Việt Nam từng đứng trước dư luận đòi tước vương miện, đó là Hoa hậu Thùy Dung và Hoa hậu Mai Phương Thúy. Ngay sau khi đăng quang, Thùy Dung bị tố chưa tốt nghiệp THPT, điều này đã vi phạm quy chế cuộc thi. Còn Hoa hậu Mai Phương Thúy: Năm 2012, dư luận không hài lòng khi phát hiện một bộ ảnh chụp từ cách đó 4 năm của cô. Qua những bức ảnh đó, Mai Phương Thúy diện áo dài rất mỏng manh, gần như xuyên thấu. Có 2 tấm tạo dáng khá nhạy cảm đã bị những người khó tính cho là “làm hoen ố sự tinh khôi của tà áo dài trắng”.

Trở lại vụ việc mà Hoa hậu Phương Nga đang đối diện, người ta vẫn không thôi đặt câu hỏi tại sao một cô gái, mang danh Hoa hậu, mới chưa đến 30 tuổi mà đã cả gan làm chuyện động tới pháp đình, dính vòng lao lý như thế? Chuyện người đẹp nhận tiền của đại gia thì nhiều, chuyện Hoa hậu nọ, Á hậu kia là người tình (tất nhiên kèm theo tiền) của doanh nhân, thiếu gia cũng được người trong giới nửa kín nửa hở.

Tuy nhiên, nhận đến 16,5 tỉ đồng để mua nhà cho một người đàn ông rồi sau đó bằng hết cách này đến cách khác, làm giả giấy tờ, lần lữa không giao nhà và… lặn mất tăm (theo diễn biến vụ việc mà báo chí đưa tin) thì chỉ có Phương Nga. Với người thường, số tiền ấy là khủng. Với Hoa hậu, người đẹp thì cũng chưa hẳn là cao. Bởi nếu chăm chỉ chạy sô, tham dự sự kiện, may mắn làm đại diện các nhãn hàng thì số tiền ấy rồi đến lúc sẽ có. Có những đại gia mua nhà, mua xe, thậm chỉ bỏ cả chục tỉ ra để làm phim “thanh minh” cho người đẹp thì phải hiểu rằng người đẹp “cứ ngoan sẽ có quà”.

Cái chính là có sự khác biệt giữa việc tự làm ra và bỗng chốc nhiều tiền. Phương Nga đã “lợi dụng” danh hiệu Hoa hậu để nói với người đàn ông kia rằng mình là Hoa hậu, có thể mua được nhà giá rẻ, sao lúc đó không nghĩ, mình là hoa hậu, làm gì cũng phải đàng hoàng, đừng để công chúng nhìn vào?

Trong màn ứng xử để chọn ra hoa hậu, cô nào được hỏi thì cũng trăm phần trăm trả lời rằng cái đẹp phải toát ra từ nhân cách, trí tuệ, nhan sắc, người đẹp hiện đại phải kết hợp cả công dung ngôn hạnh lẫn sắc sảo thông minh đảm đang năng động gì đó… Hàng trăm mĩ từ cho thấy tiêu chuẩn mà các cô hướng tới phải là cái đẹp hoàn mĩ cả về hình thức lẫn nội dung. Nhưng mà, sau khi đăng quang thì… lời nói gió bay!?

Tân hoa hậu VN 2016 Đỗ Mỹ Linh được chào đón tại sân bay Nội Bài.

3. Quả thực, chiếc vương miện Hoa hậu đang đứng trước những cám dỗ và thử thách dữ dội. Có Hoa hậu thì lộ bảng thành tích học tập “đội sổ”. Có Hoa hậu đang học hành hẳn hoi thì bỏ đi du học rồi lặng lẽ sinh con. Có Hoa hậu tạo scandal vì “bỗng dưng mất tích” rồi “bỗng dưng trở về” sau một tuần vắng bóng. Hoa hậu, Á hậu nọ thì lại dính nghi án “giật chồng, giật người yêu”. Hoa hậu khác lại có chồng vào tù ra tội. Rồi bây giờ Hoa hậu đứng trước vành móng ngựa…

Số phận của nhiều vương miện đang thực sự long đong, và không còn giữ được sự danh giá như nó xứng đáng có.

Quay trở lại với trường hợp của Hoa hậu Kỳ Duyên, hẳn nhiên, những “người trong cuộc” cũng khá căng thẳng trước dư luận đòi tước vương miện của cô. Nhưng xử lý ra sao trong bối cảnh của Việt Nam là một bài toán cần cân nhắc. Nhiều chuyên gia cho rằng, cách xử lý như vừa rồi, không tước vương miện của Kỳ Duyên nhưng truất quyền trao vương miện Hoa hậu cho cuộc thi năm nay, là cách xử lý tế nhị, nhân văn nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Đó là án phạt nặng nhất mà một đương kim Hoa hậu phải nhận. Và là bài học cho những Hoa hậu khác khi đã được đội lên đầu chiếc vương miện danh giá.

Trách ai, lỗi tại ai, bênh ai, phản biện thế nào cũng đều có lí do. Chỉ có một sự thật không thay đổi là Hoa hậu dính thị phi nhiều quá. Rất ít trường hợp được như Thu Vũ- Hoa hậu Đông Nam Á 2014. Dính vụ lùm xùm “nói tiếng Anh không ai hiểu” tại cuộc thi Nam vương ở Philippines, Thu Vũ ngày càng tích cực hơn để hoàn thiện xứ mệnh của mình và nhận được khen ngợi từ dư luận.

Để chiếc vương miện Hoa hậu không bị long đong, bị đem ra đàm tiếu, rất cần có thêm những quy chế thật chặt chẽ, hợp lí cho những tân Hoa hậu mới đăng quang và cả những người mang danh Hoa hậu suốt cả cuộc đời. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, cần có cả những quy chế cấm các Hoa hậu, Á hậu sau khi đăng quang không được phẫu thuật thẩm mỹ.

Đồng thời BTC các cuộc thi Hoa hậu cũng cần có sự đồng hành sát sao hơn với các Hoa hậu, Á hậu. Bởi đa số các người đẹp đăng quang khi tuổi đời còn rất trẻ. Mới 18, 20 tuổi. Do vậy, các Hoa hậu cần có sự đồng hành chặt chẽ ngay sau khi chiếc vương miện danh giá được đội lên, để uốn nắn cách hành xử, tư vấn về xuất hiện hình ảnh… Có như vậy số phận chiếc vương miện hoa hậu mới bớt long đong, và những nhan sắc ấy mới đỡ thành “miếng mồi” của thị phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vương miện long đong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO