Vượt qua cám dỗ đời thường

Nguyên Khánh 30/12/2020 09:00

Không phạm vào những cám dỗ đời thường, điều đó đòi hỏi sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, ý thức rèn luyện của mỗi người và sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật; để tính răn đe đủ mạnh khiến cho bất cứ ai có ý định tham nhũng, làm ăn sai trái phải chùn bước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực. Vì vậy, mỗi cán bộ phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường.

Rất nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh điều này là bởi cán bộ là khâu chốt của then chốt, có vai trò vô cùng quan trọng. Cán bộ là rường cột của quốc gia, nhờ những cán bộ đủ tâm đủ tầm, đủ sức lãnh đạo đất nước chúng ta mới có được thành quả mà nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Tuy nhiên, nếu chọn cán bộ sai lầm thì hậu quả rất lớn. Chọn cán bộ sai không chỉ xảy ra nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Cũng chính vì thế, công cuộc chiến đấu chống tham nhũng, chống thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ đã được Đảng ta tiến hành thường xuyên, nhất là trong nhiệm kỳ khóa XII trong vòng 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ này, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự. Đáng lưu ý, trong số đó có đến 53 cán bộ công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ mắc sai lầm, bị kỉ luật là điều không mong muốn. Nhưng từ những sai lầm, vấp ngã của một số cán bộ sẽ cho chúng ta rất nhiều bài học. Bài học mà bất kỳ ai cũng phải nhớ đó là trong mỗi chúng ta đều có thể mắc phải sai lầm nếu mỗi ngày những công bộc của dân không chịu rèn luyện, tự răn mình.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự, trao đổi, nhấn mạnh điều đó với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Tất cả chúng ta, nhất là các cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, và một tài sản khổng lồ của đất nước, lại đang sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực. Vì thế, mỗi cán bộ phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Tôi chia sẻ với các đồng chí và mong các đồng chí hãy luôn luôn tâm niệm, nhớ rằng chúng ta là những đảng viên, hơn nữa là những cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân, hãy làm việc hết sức mình, trước hết, trên hết là vì dân, vì đất nước; luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều mà không ai muốn”.

Như vậy, cán bộ, những công bộc của dân phải luôn sẵn sàng với tinh thần không sợ sai lầm, đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa, phải tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành người cán bộ, đảng viên thật sự vì nước, vì dân để không vướng vào những sai lầm đáng tiếc.

Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào sự phê và tự phê của mỗi người; cùng đó rất cần kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước nghiêm minh. Không một sai phạm, tội lỗi nào được dung túng, xuê xoa, bỏ qua cho dù người đó là ai. Cuộc chiến đấu chống tham những thời gian qua cho thấy không có vùng cấm, không có chuyện “tắm từ vai trở xuống”; ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật. Nhiều vụ án đã xử trong thời gian qua cho thấy tính nghiêm minh, những đối tượng vi phạm đều tâm phục khẩu phục, kể cả những người phải chịu mức án rất nặng.

Tin tưởng vào sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, của pháp luật và tin tưởng tuyệt đối vào thành công của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”; nhưng dư luận xã hội vẫn mong rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Hơn bao giờ hết, để làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ thì mỗi cán bộ đảng viên, quần chúng phải nêu cao trách nhiệm cùng chung tay phát hiện, giới thiệu nhân tài cho Đảng; đồng thời quyết liệt ngăn chặn, thanh lọc những thành phần cơ hội, suy thoái, không để những “con lươn, con chạch” chui vào bộ máy.

Không phạm vào những cám dỗ đời thường, điều đó đòi hỏi sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, ý thức rèn luyện của mỗi người và sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật; để tính răn đe đủ mạnh khiến cho bất cứ ai có ý định tham nhũng, làm ăn sai trái phải chùn bước.

Cám dỗ đời thường cũng dễ hiểu, nhưng vượt qua nó, vì Đảng, vì nước, vì dân mới là điều đáng trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua cám dỗ đời thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO