Vượt qua thách thức

Cẩm Thúy 19/01/2021 08:00

Năm 2020, kinh tế Việt Nam trực diện đối mặt với một thách thức không ai có thể lường được trước đó. Du lịch, xuất khẩu nông sản và nhiều lĩnh vực khác lao đao trong “cơn bão” đại dịch Covid-19. Cộng thêm bão lũ chất chồng. Nhưng trong khó khăn, bằng những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa chống dịch, chúng ta vẫn đạt tới một con số biết nói là duy trì được tăng trưởng GDP.

Nhìn lại năm 2020, chúng ta đã đi qua với một bản lĩnh và các giải pháp đồng bộ đáng tự hào. Ảnh: Quang Vinh.

Đến giờ này nhìn lại năm 2020, có thể nói là chúng ta đã đi qua với một bản lĩnh và các giải pháp đồng bộ đáng tự hào.

May mắn thay là kể từ khi Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để ưu tiên đảm bảo sức khỏe và tính mạng nhân dân, chúng ta vẫn giữ được một sự bình ổn khá cơ bản về giá cả và đời sống.

Ngay cả trong khó khăn dịch bệnh và bão lũ chồng chất, chỉ số CPI từng tháng được duy trì. Những cơn bão giá vì dịch giã, bão lũ chỉ xuất hiện thoảng qua rồi ngay lập tức được duy trì bình ổn trở lại. Có một công cụ làm thước đo cho đời sống nhân dân là chỉ số lạm phát thì xét trong bối cảnh chung cả năm vẫn cơ bản nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản đã được lường trước.

Nói điều này là xét trong tình hình cả năm với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, của việc cả hệ thống chính trị phải dồn sức “chống dịch như chống giặc”, của việc nhiều địa phương phải đóng cửa lễ hội, trường học và nhiều ngành kinh tế bị đình trệ, cửa khẩu, sân bay ngừng đón khách du lịch, thậm chí có những lúc ngừng giao thương với bên ngoài; trong khi đó nhu cầu trang thiết bị y tế và thực phẩm, thuốc men tăng cao. Nhưng trong sự khó khăn chung của cả nước, thậm chí là khó khăn ở quy mô toàn cầu, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để giữa đỉnh điểm của dịch bệnh, của bão lũ, của khó khăn thách thức nền kinh tế, vẫn giữ được sự ổn định về cơ bản.

Điều thực sự đáng lo ngại nhất khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra bao giờ cũng là việc đầu tư tích trữ lương thực thực phẩm tạo ra sự khan hiếm khiến giá cả thị trường tăng cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hết năm, nhìn lại cả năm 2020 thì bức tranh chung là nguồn cung lương thực, thịt cá, rau xanh dồi dào đã giúp cho đời sống nhân dân ổn định. Cảnh đua nhau mua sắm tích trữ hay chen lấn, giẫm đạp để tranh giành lẫn nhau, sự nhảy múa của thị trường khẩu trang, nước sát khuẩn và nhiều nhu yếu phẩm y tế khác... chỉ xuất hiện như một hiện tượng lẻ tẻ rồi về cơ bản được bình ổn. Các biện pháp mạnh tay xử phạt từ các cơ quan nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân không hoảng loạn mà hiểu đúng về dịch bệnh đã khiến không còn tình trạng đổ xô xếp hàng tranh giành mua bán hàng hóa.

Cuối năm nhìn lại thì trong năm cũng có những thời điểm đỉnh dịch cực kỳ căng thẳng nhưng về cơ bản các biện pháp triển khai phòng chống dịch bệnh vẫn ở trong tầm kiểm soát đã tạo cho xã hội một sự yên tâm cần thiết.

Đó là nền tảng cơ bản để cùng với các giải pháp điều hành, thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn sự đóng góp của người dân trong việc cùng với Đảng, Chính phủ vượt qua thách thức. Chính là niềm tin của nhân dân, tinh thần đoàn kết của nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định trong cả một năm nhiều sóng gió vừa qua.

Thiệt hại của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Trong tình hình ấy mục tiêu đặt ra là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo đời sống xã hội diễn ra bình thường, vừa chống dịch hiệu quả là mục tiêu về cơ bản đạt được để không gây lên khủng hoảng. Dịch bệnh là một nguyên nhân khách quan nhưng nó đang đặt ra một thách thức lớn đối với đất nước. Thực tế một năm vừa mới đi qua cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh vượt qua thách thức ấy để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo ổn định đời sống xã hội, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế.

Những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc, cần những giải pháp phù hợp với tình thế trước mắt và lâu dài, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo bình ổn giá cả. Bất cứ một sự mất ổn định về giá cả nào xảy ra vào thời điểm này cũng chồng thêm khó khăn cho đời sống nhân dân vốn đang bị đe dọa bởi dịch bệnh. Cho nên việc cần thiết là cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Chúng ta đã đi qua một năm rất dài, bình tĩnh đoàn kết ứng phó nhưng chỉ cần một sự chủ quan vào thời điểm quan trọng này thì rất có thể dịch bệnh sẽ trở lên khó lường.

Số người chết vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020 trên phạm vi toàn cầu cho thấy mức độ khủng khiếp của nó. Suốt cả một năm nhân loại sống trong sợ hãi. Và đi qua một năm, mỗi người chúng ta đều có thể mỉm cười, cho dù khó khăn vẫn còn ở phía trước. Bởi vì cuộc sống – ngay cả trong khó khăn – vẫn đáng để chúng ta lạc quan mỉm cười, miễn là có đủ niềm tin để vượt qua.

Đi hết một năm nhìn lại, chúng ta cũng có quyền lạc quan để nghĩ rằng đã biến khó khăn trở thành một phép thử tuyệt vời cho con người. Ý nghĩ có thể không còn có ngày mai là dịp để mọi người nhìn lại mình, đối thoại với chính mình về ý nghĩa cuộc sống. Để rồi hẳn mỗi người đều mỉm cười bởi cuộc sống là tươi đẹp, ngay cả trong khó khăn cùng cực nhất, nếu chúng ta có niềm tin vào cuộc sống.

Sẽ được cho là lạc quan tếu nếu vào năm 2020 cực kỳ khó khăn của khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu, vẫn cho rằng cuộc sống là tươi đẹp. Nhưng rõ ràng những ngày thực hiện giãn cách xã hội, khi đường phố vắng lặng, khó khăn của chúng ta cũng chưa là gì so với những ngày tháng 12 cách đây gần nửa thế kỷ, giữa những đợt B-52 dải thảm, người Hà Nội từ nơi sơ tán vẫn quyết tâm “còn một viên gạch vẫn trở về nhà cũ”…

Cuộc sống chỉ được hoàn thiện trong thử thách. Đối với mỗi cá nhân, khó khăn là phép thử để hiểu lòng mình, là cơ hội để mỗi người tìm ra sức mạnh nội lực của chính mình. Ở tầm vĩ mô, khó khăn của 2020 là phép thử bản lĩnh và nội lực đối với mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế. Và Việt Nam đã đi qua 2020 bằng bản lĩnh và nội lực của mình.

Đó là cơ sở vững chắc để bước vào năm 2021 kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% và chỉ số giá tiêu dùng đạt bình quân 4%, theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Quốc hội biểu quyết. Mặc dù thực sự đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mà muốn đạt được thì việc lớn nhất bây giờ là phải chống dịch Covid-19 hiệu quả, trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO