Tại hội thảo khoa học quốc tế về phát huy vai trò, giá trị của di sản Tràng An, ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cam kết: UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ để Tràng An vượt qua những thách thức. Cùng với đó, văn phòng sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn, bảo đảm Tràng An tiếp tục là ngọn hải đăng cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững.
Ngày 27/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế ‘Phát huy vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới’.
Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa của cố đô Hoa Lư khi đã trải qua 42 năm (968-1010) tồn tại và gắn bó với ba vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý. Đây không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Cồ Việt mà còn đóng vai trò là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Với vị thế là đế đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta, là đô thị - cảng thị tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông, vùng đất Hoa Lư đã khai mở, đặt cơ sở nền tảng cho sự phát triển của văn minh Đại Việt sau này.
Khu danh thắng Tràng An – trái tim của vùng đất Hoa Lư được xác định là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế… trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại Việt Nam. Sau 10 năm được UNESCO ghi danh, Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho xu hướng kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính như: Tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, là tiền đề hướng tới xây dựng TP Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ; nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 10 năm, đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành - như một mẫu hình đô thị di sản; xác định vai trò, vị trí của di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn, nghiên cứu khoa học; kêu gọi, thu hút đầu tư, khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố di sản thế giới; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa ở trong nước và trên thế giới những kinh nghiệm thực tiễn bảo tồn và phát triển từ quần thể danh thắng Tràng An, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ và UNESCO.
Ông Phạm Thanh Bình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An theo quy chuẩn của UNESCO; tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị di sản Tràng An đối với cộng đồng và du khách; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các điểm đến khác...
Để hỗ trợ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trên, ông Bình khẳng định: Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình để quần thể Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa tỉnh trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường.
Ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cam kết: UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ để Tràng An vượt qua những thách thức. Cùng với đó, Văn phòng sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn, bảo đảm Tràng An tiếp tục là ngọn hải đăng cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững. Theo ông Jonathan Baker, tầm nhìn hiện tại của Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO, đó là thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản. Do đó, ông Jonathan Baker tin tưởng, Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành 3 phiên thảo luận: Phiên tổng thể ‘Kết nối đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO’ cùng 2 phiên chuyên đề ‘Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An - hành trình kiến tạo và bảo tồn phát huy giá trị’ và ‘Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ’.
Tại các phiên làm việc, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo tham luận với nội dung: Các thành phố di sản thế giới UNESCO - mạng lưới di sản đô thị toàn cầu hướng đến phát triển bền vững; chiến lược phát triển toàn diện tại các thành phố di sản thế giới - ví dụ từ khu di sản thế giới Greater Blue Mountains ở Úc; du lịch di sản và phát triển đô thị bền vững; những nỗ lực trong bảo tồn di sản Tràng An, đánh giá kế hoạch quản lý và hiện trạng bảo tồn khu di sản Tràng An từ khi được ghi danh là di sản thế giới đến nay; khai thác giá trị di sản thế giới Tràng An - tiếp nối thành công, tối đa hóa lợi ích.