Văn hóa

Tái hiện cuộc sống cư dân Tràng An cổ

Đình Minh 26/02/2024 12:38

Không gian văn hóa Khê Cốc là nơi tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt cộng đồng của cư dân Tràng An cổ, giúp người dân và du khách hiểu thêm lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất di sản này.

anhbaitren(2).jpg
Du khách trải nghiệm không gian văn hóa Khê Cốc. Ảnh: Đình Minh.

Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu. Cho tới nay, đây là vẫn di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á đạt cả hai tiêu chỉ về văn hóa và thiên nhiên của UNESCO.

Để làm rõ những giá trị của di sản này, trong suốt hơn 10 năm qua, đã có nhiều cuộc khai quật, từ đó xác định được 14/25 di chỉ khảo cổ hang động như Hang Trống, Hang Bói, Hang Mòi, Mái đá Vàng, Hang Áng Nồi, Hang Trâu…

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhằm tái hiện lại thực cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã phục dựng lại mô hình tại Khê Cốc với mong muốn cung cấp góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ, nhằm gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau, để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về cội nguồn lịch sử.

Đồng thời, việc phục dựng cũng nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu những bài học lịch sử quý báu, có nhận thức tốt hơn trong công tác bảo vệ môi trường sống, sống hài hòa với tự nhiên, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Anh Trịnh Văn Thống, du khách đến từ Thanh Hóa cho biết, năm nay, trong lần đầu tiên trải nghiệm tại đảo Khê Cốc, anh thấy nơi đây hội tụ được vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên và không gian văn hóa cổ xưa.

“Tôi rất ấn tượng với những chiếc chòi lá, bên trong có chứa các mô hình hiện vật tái hiện lại không gian sinh sống của cư dân cổ đại. Đến đây, bản thân tôi được đi, được khám phá và nghe những câu chuyện lịch sử của vùng đất này. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị dịp đầu Xuân năm mới” - anh Thống nói

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình, trải nghiệm không gian văn hóa Khê Cốc là sản phẩm mới được đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm Tràng An được UNESCO ghi danh, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của quần thể danh thắng Tràng An, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, biển thoái ở vùng Tràng An có thể bắt đầu từ cách đây 5.500 năm. Lúc này, con người bắt đầu rời hang cao xuống hang thấp. Một bộ phận vẫn cư trú trong hang, một bộ phận khác chuyển ra khai phá, khai thác các bãi bồi thung lũng, ven khe suối ở khu vực trung tâm Tràng An như Khê Cốc.

Trong sự biến cải khắc nghiệt và dữ dội của cảnh quan, người tiền sử nơi đây vẫn thích ứng, phát triển, hun đúc, bồi đắp và tạo nên các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu. Con người đã tham gia định hình nên cảnh quan, môi trường xung quanh Tràng An và ngược lại, môi trường cũng đã ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống sản xuất, cư trú và sáng tạo văn hóa của con người, trong đó có kiểu định cư ban đầu và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các bãi bồi thung lũng, cạnh khe suối, gần với động là đặc trưng nổi bật.

Giai đoạn này, cư dân cổ đã chuyển từ khai thác tự nhiên sang sản xuất. Các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, cùng với chế tác công cụ lao động, làm đồ gốm, sinh hoạt cộng đồng (đốt lửa, chỗ ăn uống, chỗ ngủ), cùng kiến trúc nhà chòi làm bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá giản đơn,… là những biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể sinh động của cư dân cổ trong giai đoạn này.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Vương quốc Anh, Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện khoa học địa chất và khoáng sản đã khẳng định: Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người tiền sử, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái hiện cuộc sống cư dân Tràng An cổ