WB cảnh báo ảnh hưởng xấu nếu Mỹ tăng lãi suất

Khánh Duy 18/09/2015 09:10

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu một cuộc họp kéo dài hai ngày, bắt đầu từ hôm 16/9, để cân nhắc về khả năng sẽ đưa ra đợt tăng tỷ lệ lãi suất lịch sử đối với đồng USD trong khi giới lãnh đạo trên toàn cầu kêu gọi cảnh giác trước ảnh hưởng của nó trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại.

Các thị trường tài chính toàn cầu đang
chờ đợi quyết định mà FED đưa ra. (Nguồn: Telegraph).

Trong tình hình đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 17/9 đã cảnh báo rằng các nền kinh tế đang phát triển cần tự chuẩn bị trước khả năng bất ổn thị trường tiền tệ và vốn do ảnh hưởng của tăng tỷ lệ lãi suất đồng USD; trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thúc giục FED nên hành động chậm lại và công bố rõ ràng các chính sách mới, bất kể quyết định của họ như thế nào.

Hầu hết giới phân tích kinh tế đều cho rằng FED đã có chủ đích trong việc trì hoãn tăng tỷ lệ lãi suất – vốn được giữ ở mức 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – nhằm thúc đẩy dự trữ đồng USD trên toàn thế giới.

Và hiện nay, trong khi mức tăng trưởng của Mỹ vẫn còn mạnh, lạm phát ở mức thấp và gần như chịu ít ảnh hưởng từ tình trạng bất ổn thị trường tài chính toàn cầu sau khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ; nhiều dự báo cho rằng Ủy ban Thị trường mở (FOMC) có khả năng sẽ không tăng tỷ lệ lãi suất ở thời điểm hiện tại.

FED đã không tăng tỷ lệ lãi suất đối với đồng USD trong suốt 9 năm qua, và dự định tăng tỷ lệ lãi suất lên 0,25% như đang thảo luận sẽ là một bước đột phá, tự phá vỡ tư thế của nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng diễn ra hồi năm 2008-2009 để tiến đến một chính sách tiền tệ “bình thường”. FED còn dự định sẽ tiếp tục tăng dần tỷ lệ lãi suất lên đến mức 3% trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, đây là tin đáng lo với các nền kinh tế đang phát triển, bởi nó khiến chi phí vay mượn đồng USD cao hơn.

FOMC, dẫn đầu bởi Chủ tịch Janet Yellen, dự kiến sẽ đưa tuyên bố về quyết định của FED vào rạng sáng ngày 18/9.

Hầu hết các đánh giá hiện nay về nền kinh tế Mỹ - hiện có tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức 5,1% trong khi đà tăng trưởng giữ ở mức khá – đều cho rằng nó đã đủ mạnh nên việc giữ tỷ lệ lãi suất ở mức 0% như hồi khủng hoảng tài chính là điều không cần thiết. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà kinh tế học, các tín hiệu bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở Trung Quốc, giờ đang là mối nguy hiểm tiềm tàng với đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, và việc tăng tỷ lệ lãi suất là nhằm đảm bảo sự an toàn cho nền kinh tế đứng đầu thế giới.

WB từ hôm đầu tuần đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một “cơn bão” đang đến gần, có thể gây nên tình trạng đóng băng các nguồn vốn, đối với các nền kinh tế đang phát triển nếu như FED quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong hôm 16/9, OECD - tổ chức gồm 34 nền kinh tế hàng đầu thế giới là thành viên - nói rằng việc nước Mỹ đang theo con đường tăng tỷ lệ lãi suất là điều không tránh khỏi trong bối cảnh sức mạnh nền kinh tế nước này đang được đảm bảo như hiện nay.

“Thời điểm tăng tỷ lệ lãi suất lần đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong nhịp độ tăng tỷ lệ lãi suất các đợt sau trong vòng 2 năm tới. Và việc cần thiết nhất là Mỹ nên thông báo rõ ràng về nhịp độ tăng tỷ lệ lãi suất, để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính toàn cầu, vốn đang rất dễ đổ vỡ” – OECD nêu rõ.

Trong khi đó, dù đang phải chịu vô số ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn của các thị trường tài chính toàn cầu và tình trạng thất thoát nguồn vốn, rất nhiều lãnh đạo từ các nền kinh tế đang phát triển đã thúc giục FED nên chấm dứt tình trạng mập mờ như hiện nay và đưa ra quyết định tăng tỷ lệ lãi suất ngay.

Tuy nhiên, FOMC hiện cũng rất lo ngại rằng tăng tỷ lệ lãi suất có khả năng khiến nền kinh tế Mỹ bị chững lại, ảnh hưởng đến uy tín của nước này. Trong khi nhiều báo cáo kinh tế cho thấy lạm phát ở Mỹ đang ở mức rất thấp và sẽ còn duy trì được lâu dài, thì FOMC lại không nghĩ như vậy và tỏ ra rất thận trọng với các quyết định của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    WB cảnh báo ảnh hưởng xấu nếu Mỹ tăng lãi suất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO