Xã hội hóa cai nghiện ma túy: Doanh nghiệp không mặn mà

Lê Bảo 14/10/2020 07:27

Xã hội hóa công tác cai nghiện là xu thế tất yếu nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chính vì vậy, từ những năm 2000 Nhà nước đã có những chính sách quy định khuyến khích xã hội hóa. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ LĐTBXH mới có 23 doanh nghiệp tham gia vào công tác xã hội hóa công tác cai nghiện và đến nay chỉ còn 13 doanh nghiệp đang hoạt động.

Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng là giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng tái nghiện.

Bộ Công an khẳng định, việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình là giải pháp hiệu quả giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời góp phần giảm tải, chi phí gánh nặng cho Nhà nước về cai nghiện tập trung.

Theo thống kê hiện các cơ sở cai nghiện tự nguyện mỗi năm đã tiếp nhận và cai nghiện cho khoảng hơn 4.000 lượt người (trên tổng số 43.000 lượt người được cai nghiện), góp phần giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí lập hồ sơ và đưa vào cai nghiện bắt buộc.

Thực tế cho thấy xã hội hóa là giải pháp hiệu quả và mang tính cộng đồng cao tuy nhiên mô hình này sau gần 20 năm vẫn chưa được triển khai rộng rãi và phổ biến ở nước ta. Theo Bộ LĐTBXH dù trong những năm qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cai nghiện.

Ngoài lực lượng chủ công là các cơ sở cai nghiện công lập thì các cơ sở cai nghiện dân lập từng bước được hình thành, góp sức cùng Nhà nước đẩy lùi và kéo giảm số người nghiện ma túy.

Tuy nhiên vẫn có quá ít số doanh nghiệp tham gia vào công tác này bên cạnh đó chất lượng, năng lực của các cơ sở này vẫn còn chưa đồng đều.

Có những cơ sở hoạt động chưa hiệu quả do thiếu nhân lực có trình độ kinh nghiệm, cán bộ chưa được đào tạo bài bản, nên các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người nghiện khá hạn chế.

Theo Bộ LĐTBXH có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà xong nguyên nhân chính là do cơ chế. Dù Luật Phòng, chống ma túy hiện hành đã đề cập chính sách xã hội hóa, nhưng chưa cụ thể và các chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa biến thành cơ hội hoặc tăng nguồn lực cho DN.

Đơn cử như quy định doanh nghiệp tham gia công tác cai nghiện được giao đất , không thu thuế, miễn giảm thuế…đây là những chính sách ưu đãi rất tích cực, song thực tế triển khai không dễ. Lý do các chính sách này vẫn quy định ở mức chung chung chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể nên nhiều địa phương lúng túng khi triển khai.

Trước những bất cập này, Dự thảo Luật Phòng chống ma túy sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo đã bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, dưới hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa người nghiện với các cơ sở này.

Trong đó, dự luật bổ sung thêm chính sách ưu tiên cho xã hội hoá công tác cai nghiện. Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an dự thảo lần này ưu tiên xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, người nghiện ma túy sẽ được ưu tiên lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình cộng đồng hoặc điều trị thuốc thay thế.

Đề xuất này của Bộ Công an đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các chuyên gia, bộ, ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã hội hóa cai nghiện ma túy: Doanh nghiệp không mặn mà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO