Ngày 2/11, tròn 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành, là bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm.
Theo đó, sớm 1/11/1997, một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão thứ năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Linda. Bão di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng tây.
Đến sáng 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió tối đa 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Tối và đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sau khi hoành hành trên đất liền Việt Nam, sáng 3/11/1997, bão hướng về vịnh Thái Lan…
Tại hội thảo nhìn lại 20 năm cơn bão Linda và những bài học kinh nghiệm tổ chức cuối tháng 10, nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ kể rằng “bão đổ bộ vào Cà Mau” như chuyện không tưởng. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên.
Không chỉ người dân, một số quan chức lúc bấy giờ cũng nghĩ vậy. Cơn bão Linda trở thành thiên tai thế kỷ với các tỉnh Nam Bộ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các thiệt hại do bão Linda gây ra với 21 tỉnh thành Nam Bộ là “hết sức nặng nề, nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, nhà ở, cơ sở vật chất và mùa màng”.
Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. Số nhà bị sập là 107.890, hơn 120.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha diện tích lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Cơn bão Linda để lại nỗi đau cho hàng chục nghìn người dân Nam Bộ. Trong thư gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, các chiến sĩ và lực lượng phòng chống thiên tai ngày 30/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định bão Linda gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt đối với tỉnh Cà Mau.
“Rất nhiều ngư dân và tàu thuyền của đồng bào ta đã nằm lại biển khơi. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, chiến sĩ, lực lượng phòng, chống thiên tai đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống”- Thủ tướng viết và gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới đồng bào.
Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda và thực trạng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh ĐBSCL đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.