Báo động tai nạn lao động xây dựng

Thanh Giang 16/09/2019 08:00

Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng đang ở mức báo động. Số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực này đang đứng đầu danh sách TNLĐ ở các địa phương.

Báo động tai nạn lao động xây dựng

Tai nạn lao động xảy ra tại các công trình xây dựng đang ở mức báo động.

Tại TP HCM, năm 2018 có 55 vụ trên tổng số 89 vụ TNLĐ chết người. Cụ thể, TNLĐ trong công trình xây dựng cao tầng, công trình giao thông là 25 vụ, công trình xây dựng nhà dân là 30 vụ.

Tương tự, theo Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2019 thành phố xảy ra 11 vụ TNLĐ. Trong 11 vụ, có 8 vụ xảy ra ở doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn hoặc lao động tự do làm việc cho các nhà thầu phụ của các công trình.

Đề cập đến an toàn vệ sinh trong lao động, ông Đoàn Văn Dũng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Cần Thơ thông tin, TNLĐ trong xây dựng đang đứng đầu danh sách. 3 năm, TP Cần Thơ có 20 vụ tai nạn xây dựng làm chết người. Ông Dũng cho rằng, con số trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Con số tai nạn lao động trong xây dựng chắc chắn cao hơn nhiều, tuy nhiên vẫn chưa thể thống kê đầy đủ được bởi khi xảy ra sự cố người sử dụng lao động và người lao động thường tự thỏa thuận với nhau.

Ông Nguyễn Thành Đô – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu tai nạn là ngã từ trên cao xuống hoặc điện giật tại các công trình xây dựng dân dụng. Riêng ở nhà dân thì do các công ty quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thi công dẫn tới những vụ tai nạn đáng tiếc.

Nhằm giảm thiểu TNLĐ, yêu cầu đặt ra hiện nay, doanh nghiệp phải nhận diện, phân tích được các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện, từ đó có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ. Rủi ro TNLĐ có thể được giảm thiểu bằng cách kiểm soát tốt. Bên cạnh biện pháp phòng ngừa rủi ro trong lao động, cần tăng cường công tác tuyên truyền. Thay vì, sử dụng hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi, không ít doanh nghiệp dùng biện pháp truyền thông tin trực tiếp, ngắn gọn và ý nghĩa đến người lao động. Đơn cử, có doanh nghiệp treo khẩu hiệu: “Làm việc an toàn, người thân đang đợi”, hay “Hãy nghĩ về gia đình trước khi làm việc”...

Cùng với hàng loạt biện pháp phòng ngừa nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường biện pháp xử lý vì quản lý nhà nước đối với an ATLĐ còn thiếu và lỏng lẻo. Bằng chứng, mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ TNLĐ nhưng số vụ bị khởi tố đếm trên đầu ngón tay. Đây chính là lý do doanh nghiệp lơ là an toàn tính mạng cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động tai nạn lao động xây dựng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO