Bình đẳng giới và những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

Vương Toàn Thắng 15/12/2019 08:00

Bình đẳng giới là một quyền con người, một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ phát triển bền vững của quốc gia. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đạt những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, ngày càng nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Bình đẳng giới và những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

Hiện nay lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua đã đặt ra khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam.

Trong lĩnh vực chính trị, hiện nay, tỉ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam đã được tăng lên ở tất cả các cơ quan. Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị là 15,8% (so với nhiệm kỳ trước: tăng 3,3%), tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương là 10% (tăng 1,5%), tỷ lệ nữ Tỉnh ủy viên là 13,3% (tăng 1,9%), cấp huyện là 14,3% (tăng 0,3%) và cấp cơ sở là 19,69% (tăng 1,59%). Tỉ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV (26,72%, tăng 24,4% so với khóa XIII) và (25,76% so với khóa XII)…

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị đã tạo cơ hội cho phụ nữ có tiếng nói đầy đủ vào quá trình ra quyết định của quốc gia. Năm 2019, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và tăng 4 tháng đối với nam và đến năm 2028, nam nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Lao động nam, nữ có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. Với những sửa đổi pháp luật này, phụ nữ sẽ có nhiều hơn cơ hội lao động và thăng tiến nghề nghiệp.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới, đạt và ổn định ở mức cao chiếm 48% năm 2018; tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở mức thấp, chiếm 2,19%. Về cơ bản, hiện nay phụ nữ được khuyến khích tham gia các hoạt động khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể; phụ nữ nghèo, phụ nữ ở khu vực nông thôn được hỗ trợ vay vốn, tiếp cận tín dụng để sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức sống hộ gia đình.

Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chính sách ưu đãi cho chủ doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Tính đến quý III/2018, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp có chiều hướng tăng lên đạt 26,95%, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để đạt chỉ tiêu kế hoạch 35% vào năm 2020. Tỷ lệ lao động nữ có nhu cầu được vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh cơ bản đã được đảm bảo. Trong số gần 6,7 triệu khách hàng sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách trong cả nước, có gần 1,5 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội với mức dư nợ bình quân 1 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay đạt 30,6 triệu đồng (mức bình quân chung cả nước là 27,3 triệu đồng/ hộ).

Trong lĩnh vực y tế, điều kiện chăm sóc sức khỏe của phần lớn phụ nữ và trẻ em gái hiện nay có nhiều cải thiện so với trước đây, kiến thức về chăm sóc sức khỏe được nâng lên, cơ hội tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế tốt hơn trước. Tuổi thọ trung bình hiện nay là 76,6 tuổi, trong đó, nam là 72,1 tuổi, nữ là 81,3 tuổi (tuổi thọ trung bình của thế giới là 72 tuổi). Số lượng phụ nữ khám thai và được chăm sóc y tế khi mang thai tăng, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới được quan tâm, nhiều chỉ tiêu về y tế đạt kết quả tích cực... Từ năm 2010, Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) về giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi, giảm mạnh tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bình đẳng giới cũng đạt nhiều tiến bộ nổi bật, hiện nay, mức độ chênh lệch của học sinh nam, nữ trong tất cả các cấp bậc học là rất nhỏ, hầu như không còn sự khác biệt đáng kể, tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,3%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ là 92,75%. Điều này có sự khác biệt lớn trong quá khứ, phụ nữ thường bị thiệt thòi hơn nam giới trong tiếp cận giáo dục do ảnh hưởng của các định kiến giới trong xã hội.

Trong gia đình, cùng với sự phát triển của các dịch vụ xã hội (nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non, giúp việc gia đình…) và sự chia sẻ nhiều hơn của nam giới trong công việc gia đình làm cho phụ nữ ngày càng có nhiều hơn cơ hội học tập, thăng tiến trong nghề nghiệp của mình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế như hệ thống chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; thiếu các chính sách hỗ trợ cho nhóm phụ nữ đặc thù; tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa đạt như mục tiêu đề ra; lao động nữ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm, nhất là việc làm có thu nhập cao, ổn định, được bảo đảm an sinh xã hội; khoảng cách giới về giáo dục, y tế giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm dân tộc còn khá lớn; tình trạng bạo lực, buôn bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái vẫn tồn tại....

Phụ nữ cơ bản vẫn đảm nhận “vai trò kép”, vừa tham gia công việc xã hội, đồng thời vẫn thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình. Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn có một số hạn chế như một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm; nhận thức và trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức về bình đẳng giới chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới chưa ổn định, chủ yếu là kiêm nhiệm; chưa bố trí ngân sách riêng cho các hoạt động bình đẳng trong dự toán ngân sách hằng năm…

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong tất cả các mục tiêu của Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, có những giải pháp đổi mới, hiệu quả hơn về bình đẳng giới trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Thứ hai, xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi; phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp. Thứ ba, cần quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ, chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt chỉ tiêu là cơ sở quan trọng để tiến hành kiện toàn các chức danh nữ Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thứ tư, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng, phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất còn lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều nỗ lực cả trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình để phụ nữ, trẻ em gái ngày càng có nhiều cơ hội tham gia, thụ hưởng một cách công bằng tất cả các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng giới và những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO