Đồng bằng sông Cửu Long đang biến dạng

Quốc Trung 31/08/2016 08:05

ĐBSCL được hình thành từ 4.000 đến 6.000 năm do quá trình vận chuyển phù sa từ thượng nguồn sông Mekong chảy theo dòng nước về bồi lắng dần và hình thành. Nhưng những năm gần đây phù sa không còn về như vốn có. Tình trạng sạt lở gia tăng nghiêm trọng, hàng trăm ha đất biến mất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân và an ninh lương thực dài hạn... đòi hỏi chúng ta phải có hành động nhằm cứu ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ sạt lở, biến mất.

Sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm ha biến mất

Trong diễn đàn về biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, các chuyên gia đã đưa ra thống kê, bờ biển các tỉnh phía đông như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu với con số bồi đắp hay lấn ra biển chỉ chiếm 22% diện tích, trong khi có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui (bị biển lấn). Riêng khu vực biển Tây thuộc vùng bán đảo Cà Mau, trước đây vùng này lấn biển rất cao, thì nay có tới 70% diện tích có chiều hướng thoái lui, trung bình 12,2 m/năm.

Con số này rất phù hợp với số liệu mà ngành chức năng của tỉnh này đưa ra. Cụ thể Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết từ năm 2008 đến nay có 80% đường bờ biển, kể cả Biển Đông và biển Tây bị sạt lở với diện tích gần 305 ha/năm rừng phòng hộ bị mất. Trong đó ở biển Tây có 3 đoạn sạt lở ở cấp độ nguy hiểm với tổng chiều dài 32.100 m, thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Cụ thể, đoạn 1 từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới (4.500 m); đoạn 2 từ vàm Tiểu Dừa đến vàm Hương Mai (14.000 m); đoạn 3 từ cửa sông Khánh Hội đến vàm Ba Tỉnh (16.600 m), hàng ngàn hộ dân sinh sống ở trong khu vực đê này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong khi nhiều nơi đang lo chống chọi với đê biển thì các tỉnh thành nằm cặp sông Tiền và sông Hậu lại lo lắng về nguy cơ mất cồn và sạt lở bờ sông.

Ông Lê Văn Huân - Chủ tịch UBMTTQ phường Tân Lộc, TP Cần Thơ cho biết: Cồn Cả Đôi hình thành do sự bồi đắp của sông Hậu và được đặt theo tên một người dân từng sinh sống ở đây. Theo sổ sách ghi lại, năm 1960, cồn Cả Đôi có diện tích trên 20ha với chiều dài khoảng trên 4km, hàng năm được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông MeKong đổ về.

Do đất đai phì nhiêu, có những thời điểm hàng chục người dân ở cồn Tân Lộc và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ra cồn cắm ranh khai hoang trồng mía, ngô, lúa...mùa màng rất sung túc. Thế nhưng, đến năm 1990 diện tích cồn Cả Đôi chỉ còn lại 6 ha nằm chơi vơi giữa bốn bề sông nước và 15 năm sau, những tấc đất cuối cùng của cồn Cả Đôi bị dòng sông Hậu nuốt chửng, giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Tuy nhiên điều mà chúng tôi ngạc nhiên là hiện nay trên bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc cũng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt, cồn Cả Đôi vẫn còn hiển diện trên bản đồ, lạ hơn là cán bộ ở đây vẫn quy hoạch loại cây trồng chủ đạo trên cồn Cả Đôi là lúa? .

Và theo lý giải của cơ quan chức năng quận Thốt Nốt, việc còn lưu giữ cồn Cả Đôi trên bản đồ để địa phương xác định địa giới hành chính của phường Tân Lộc với các địa phương khác ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp nằm giáp ranh...

Không những thế, cồn Tân Lộc cũng đứng trước nguy cơ biến mất. Theo nhận định của các nhà khoa học, do tác động của các nước trên dòng chính sông MeKong bằng hoạt động xây đập thủy điện nên nguồn phù sa bồi đắp cho ĐBSCL còn rất ít. Trong khi đó nội tại của vùng hoạt động khai thác cát ồ ạt khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Ở Cần Thơ, cả một cái cồn hàng chục ha như cồn Cả Đôi đã biến mất hoàn toàn nên những người dân sống ở ngay sát cồn Cả Đôi là cồn Tân Lộc đang lo lắng nguy cơ sẽ mất nốt cồn này.

Hàng chục năm qua nhiều người dân sống ở cồn Tân Lộc khu vực ngoài cồn đã phải nhiều lần dịch chuyển sâu vào trong đặc biệt là khu vực đầu cồn Tân Lộc thuộc ấp Long Châu. Theo như miêu tả của những người dân nơi đây, khoảng 10 năm qua có cả ngàn mét bị “hà bá” nuốt chửng.

Năm 2010 quận Thốt Nốt đo được cồn Tân Lộc có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.334 ha, tuy nhiên chỉ sau 5 năm, 2015, diện tích tự nhiên của cồn này đã bị mất gần 4 ha do sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, Lê Thanh Nghị cho biết: Tình trạng sạt lở đất tại cồn Tân Lộc đang diễn ra khá mạnh, nhất là khu vực đầu cồn, khiến cho hàng ngàn m2 đất trồng hoa màu của người dân bị mất trắng, hộ dân phải di dời…”.

Cồn Tân Lộc đang sạt lở nghiêm trọng.

Hành động trước khi quá muộn

Đây là nhận định của các chuyên gia để cứu ĐBSCL trước nguy cơ bị biến mất trong thời gian trăm năm tới. Theo tính toán của Ủy ban sông MeKong, bình quân mỗi năm, dòng sông này chuyển tải về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu là thời gian những tháng mùa lũ. Hiện nay, các đập thủy điện vùng đầu nguồn giữ lại trên dưới 50%. Nguy cơ, khi 11 đập thủy điện trên sông MeKong ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động, sẽ giữ lại khoảng 90% lượng phù sa rót về vùng này.

Trong một cuộc hội thảo về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông MeKong đối với vùng ĐBSCL, trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường cho biết: Quá trình kiến tạo từ việc vận chuyển phù sa từ thượng nguồn của dòng sông này về đã tạo nên ĐBSCL và khoảng thời gian mất khoảng 4.000 đến 6.000 năm.

Ông Thiện lo lắng, hiện nay trên dòng sông MeKong các nước đang ráo riết xây đập thủy điện, khiến lượng phù sa đổ về ĐBSCL sẽ bị giảm mạnh giai đoạn này khoảng 50%. Trong khi đó, nguồn nước sông không đổ về mạnh, bị sóng biển lấn lên có thể ĐBSCL có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng 100 năm tới…

Các chuyên gia đều cho rằng tình trạng sạt lở đất khiến cho ĐBSCL đang biến dạng, có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính hiện hữu trước mắt đó là, hoạt động của dòng chảy do tác động của các đập thủy điện tại thượng nguồn và tình trạng khai thác cát ồ ạt ở các con sông.

Khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông, phải mất thời gian dài những hố này mới được bồi đắp nhờ dòng chảy. Trong thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để bồi đắp, lâu ngày tại bờ xuất hiện hàm ếch. Những chỗ khai thác cát sẽ bị sạt lở bờ rất nhanh.

TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đã cảnh báo rằng: Hiện nay lòng sông sâu hơn một cách nhanh chóng so với trước đây. Theo TS Tuấn có hai nguyên nhân: Thứ nhất, là việc khai thác cát sỏi quá mức ngay chính tại vùng ĐBSCL. Thứ hai, lượng cát sỏi bù vào ngày càng ít đi do các nước xây đập thủy điện.

Cũng theo TS Tuấn, sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước đói (do thiếu phù sa) nên nó phải ăn hai bên bờ và dưới đáy sông. Vì vậy việc cần làm bây giờ là hành động ngay, ngăn chặn việc khai thác cát sỏi và tăng cường nhiều biện pháp chống sạt lở công trình và phi công trình giữ đất khỏi bị sạt lở bằng kè chắn, trồng cây.

Tuy nhiên theo TS Tuấn với các cách đó chỉ là đối phó tạm thời và làm chậm tiến trình tan rã ĐBSCL. Muốn giữ vững lâu dài phải đấu tranh với các nước ở thượng nguồn về việc xây đập thủy điện.. Mặt khác, đấu tranh với các nước thượng nguồn để hạn chế xây dựng các đập thủy điện...

TS Tuấn nhận định: Lũ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây. Hay nói một cách khoa học, nó tham gia kiến tạo vùng đất này”, TS. Tuấn cho rằng, theo quy luật, không có phù sa bồi đắp nữa, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề; nguồn lợi tôm cá sụt giảm mạnh. Đặc biệt, đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở và tan rã dần, dẫn đến xóa sổ có thể trong vài trăm năm, nhanh hơn quá trình hình thành.

TS. Lê Anh Tuấn, cho rằng: ĐBSCL hình thành là nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông MeKong đổ về bồi đắp. Nhưng giờ thì ngược lại vì lũ ít nên lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m; hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...

ĐBSCL hiện đang bị tổn thương nghiêm trọng, biển xâm thực và ngày càng lấn sâu, trong khi nội tại ở các tuyến sông Tiền và sông Hậu tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang khiến cho ĐBSCL bị biến dạng về diện tích. Vì vậy rất cần trung ương và địa phương khẩn trương vào cuộc dùng nhiều biện pháp để cứu lấy ĐBSCL…

Cần Thơ: Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu

Ngày 30/8, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu (BĐKH), gọi tắt là ACCCRN. Tổng số tiền thực hiện chương trình lên đến 59 triệu USD, do Quỹ Rockefeller khởi xướng và tài trợ. Chương trình được thực hiện tại 10 thành phố thuộc 4 nước châu Á: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam có 3 thành phố được lựa chọn tham gia chương trình gồm: Cần Thơ, Quy Nhơn và Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Với việc tham gia chương trình “100 thành phố chống chịu”, thành phố Cần Thơ đang bắt đầu một tiến trình mới trong việc nâng cao khả năng chống chịu với các nguy cơ đe dọa sự phát triển trong tương lai từ BĐKH. Trong đó, thành phố Cần Thơ sẽ không tách biệt khả năng chống chịu của mình với các địa phương khác thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ khả năng chống chịu giữa các địa phương nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn vùng trong thích ứng với BĐKH.

Tuấn Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long đang biến dạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO