Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện hạn hán

T.H. 31/07/2019 08:00

Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thuỷ văn, mùa khô 2019-2020, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) đứng trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; thậm chí xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện hạn hán

Tại thời điểm này, nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã thiếu nước.

Từ nhiều năm nay, địa phương và người dân các tỉnh thành thuộc vùng ĐBSCL luôn phải canh cánh với nỗi lo hạn hán và xâm nhập mặn mỗi khi mùa khô về. Năm nay, nỗi lo ấy dường như đến sớm hơn khi ngành chức năng và nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ của mùa khô 2019 - 2020.

Theo GS Trần Thục- Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-70% và thấp hơn cùng kỳ của năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Công thiếu hụt từ 35-45% so với trung bình nhiều năm và tương đương cùng kỳ năm 2015.

Mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2,5-5,5m, các trạm ở trung lưu thấp hơn từ 3,0-6,2m, các trạm ở hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m. Mực nước ngày lớn nhất ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5-0,9m, xấp xỉ cùng kỳ năm 2010 và thấp hơn cùng kỳ năm 2015.

Ông Vũ Đức Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho rằng, trong tháng 8, tháng 9 trên lưu vực sông Mê Công có lượng mưa tăng hơn, phổ biến cao hơn 10-20% so với trung bình hàng năm. Tuy nhiên, sang tháng 10, tháng 11 và tháng 12 lượng mưa cũng có dấu hiệu suy giảm nhanh. Do vậy, khả năng năm nay sẽ là một năm có đỉnh lũ thấp, tương đương ở mức báo động 1.

Dự báo đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt sau tháng 9/2019, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy vùng trên sông cũng suy giảm nhanh. Do đó, trong mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, lũ năm nay có nguy cơ không về và nhiều khả năng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ diễn ra rất khốc liệt. Theo lý giải của các nhà khoa học, có nhiều nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn tại ĐBSCL, trong đó, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động mạnh mẽ đến khu vực. Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng thủy điện và các hoạt động khai thác tài nguyên nước tràn lan đang diễn ra ở thượng nguồn sông Mê Công đã làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước đổ về hạ lưu thuộc ĐBSCL.

Cùng với ĐBSCL thì hiện nay, do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông ở khu vực Trung Bộ đã xuống thấp nhất trong lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị kiến nghị với Tổng cục Thủy lợi, báo cáo Bộ NNPTNT hỗ trợ cho tỉnh 120 tỷ đồng để chống hạn trong năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện hạn hán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO