Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài cuối: Coi người nghèo là đối tác phát triển

Lê Bảo 16/08/2019 07:44

Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại buổi tọa đàm mới đây về  thực hiện chính sách để giảm nghèo bền vững. Thực tế trong quá trình khảo sát của Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra rằng, ở những địa phương nào coi người nghèo là đối tác phát triển không phải là đối tượng trợ giúp xã hội thì ở những địa phương đó có những bứt phá trong công tác giảm nghèo.

Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài cuối: Coi người nghèo là đối tác phát triển

Phát huy nội lực của cộng đồng là nhân tố quan trọng trong quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững.

Để người nghèo tham gia vào thiết kế chính sách

Việc coi người nghèo là đối tác phát triển cũng đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ phải chuyển đổi để thay thế bằng chính sách hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước, khuyến khích, tạo đòn bẩy để đồng bào chủ động, tích cực hơn nữa trong thoát nghèo.

Chia sẻ về giải pháp hướng tới giảm nghèo bền vững ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn cho rằng từ báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng như kết quả đi giám sát ở các địa phương chúng tôi thấy, trong chính sách giảm nghèo có quá nhiều chính sách, quá nhiều hợp phần. Mục tiêu chỉ là xóa đói giảm nghèo và đầu tư cho đồng bào, cho nông nghiệp nông thôn nhưng có những lúc, chúng ta có 17 chương trình mục tiêu quốc gia, ngoài ra còn có rất nhiều chương trình quốc gia có cùng mục tiêu. Hiện nay chỉ còn hai mục tiêu quốc gia. Đó là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bản chất của hai chương trình này cũng là một thôi.

“Quan điểm của chúng tôi là sáp nhập tiếp và không còn chương trình mục tiêu riêng cho từng bộ, ngành để chúng ta thống nhất một quan điểm phải tích hợp các chính sách. Việc tích hợp chính sách đã được Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ phải thực hiện trong năm 2017, đây là giải pháp pháp quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng cái chúng ta đáng quan tâm là làm sao để chính sách dễ làm, dễ hiểu và chính sách phải đi liền với ngân sách” – ông Lợi nhấn mạnh.

Để sử dụng nguồn lực giảm nghèo hiệu quả ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, điều đầu tiên là cần lựa chọn được những dự án đầu tư đúng, khả thi, hữu ích, sát với nhu cầu và khả năng của người dân. Những người nghèo phù hợp với tiêu chí của dự án thì lựa chọn chứ không nên ngẫu nhiên. Tiếp đó là cần một quy trình quản lý quá trình đầu tư để không thất thoát, lãng phí. Quy trình đó cần phải coi trọng công tác quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát. Ngoài việc thông qua hội đồng, cơ quan thẩm tra, cơ quan phê duyệt, rất cần công khai, minh bạch dự án, trong đó hết sức coi trọng sự tham gia giám sát của chính cộng đồng người được thụ hưởng. Họ cần phải biết dự án đó làm gì, làm như thế nào, hiệu quả ra sao, triển khai từng bước như thế nào?

Ở góc độ địa phương, ông Bùi Huyên - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đề xuất, phần lớn những vùng DTTS, miền núi là vùng có điều kiện KT-XH phát triển khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất... Chính vì vậy, việc thiết kế chính sách đầu tư phát triển KT- XH vùng DTTS cần xác định mục tiêu cụ thể, hướng tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi vùng để có những chính sách phù hợp. Đặc biệt để phát huy thế mạnh cũng như khơi gợi khát vọng thoát nghèo tự nội lực của các địa phương các chính sách phải có sự gắn kết tạo nên những chuỗi liên kết về thị trường hàng hóa và thị trường lao động. Khi đã hình thành được những chuỗi liên kết này sẽ tạo sự đột phá lớn, thúc đẩy phát triển vùng DTTS và miền núi.

Đa dạng hóa hỗ trợ sinh kế

Theo ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo việc đa dạng hóa hỗ trợ sinh kế được xem là giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Cách hỗ trợ này cũng sẽ góp phần “triệt tiêu” tâm lý ỉ lại, trông chờ của một bộ phận người nghèo hiện nay.

“Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo “trao cần câu, không trao con cá”, nhiều địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Ðồng thời, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo nghề... để người dân tự chủ trong lao động sản xuất, tạo của cải, vật chất. Nhờ đó đã xuất hiện rất nhiều mô hình điểm vươn lên thoát nghèo, phong trào trả lại sổ hộ nghèo trở thành phong trào điểm trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở nhiều địa phương” – ông Thi cho biết.

Đồng quan điểm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, bên cạnh việc thiết kế cũng như thực thi chính sách, sử dụng nguồn lực, vấn đề mấu chốt để giảm nghèo bền vững chính là phải thay đổi “tư duy” trong giảm nghèo. Trong đó không chỉ đơn thuần thay đổi tư duy cho người nghèo mà cả chính những cán bộ địa phương, cơ sở. Bởi lâu nay, chúng ta đang có mô hình “trao con cá chứ không phải cần câu”. Điều đó tốt khi trợ cấp đột xuất theo thiên tai, địch họa, bão lũ hoặc điều kiện đặc biệt khó khăn. Nhưng về lâu dài không hiệu quả, cách giảm nghèo bền vững cho người dân là hỗ trợ tạo việc làm bền vững phù hợp với trình độ, đặc điểm tình hình ngay tại cơ sở. Khi có công việc bền vững người dân sẽ có thu nhập ổn định từ đó họ có thể tham gia BHYT, BHXH. Khi người nghèo đã có đủ những yếu tố này chắc chắn sẽ không có chuyện sau một trận ốm, hay lũ lụt lại quay trở về nghèo.

Để có thể tạo sinh kế bền vững cho người nghèo phân tích từ các chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ đơn thuần là tạo sinh kế, công ăn việc làm, mà phải tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn cho người nghèo ngay tại chính quê hương của mình. Do đó cần phải tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị cao nhất ở đó. Đặc biệt để phát huy hết nội lực của cộng đồng trong công tác giảm nghèo, cần phải đẩy mạnh chủ trương tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng, giao vốn trung hạn để địa phương chủ động bố trí vốn trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên hằng năm, 5 năm; phát huy vai trò của cộng đồng từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng dự án, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, thụ hưởng và giám sát, đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài cuối: Coi người nghèo là đối tác phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO