Lá ngón

Mai Linh 10/09/2017 07:20

Theo ông Vừ Dùa Thái, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), vào sáng 6-9, ba em Xồng Bá D., Xồng Bá X. và Xồng Bá R. (đều SN 2009) là học sinh lớp 3 của trường điểm bản lẻ Than Hóm, xã Na Ngoi, bị cô giáo nhắc nhở và hỏi về việc lấy đồ chơi bên trường mầm non. Sợ các cô báo cáo với bố mẹ, nên cả 3 em đã rủ nhau lên rẫy hái lá ngón ăn.

“Sau khi không thấy các cháu đi học về, cả bản đi tìm kiếm thì phát hiện 3 cháu nằm bất tỉnh ở rẫy khi đã ăn lá ngón. Ngay lập tức, cả 3 học sinh được người thân đưa đi cấp cứu tại bệnh xá Đoàn Kinh tế quốc phòng 4. Do ăn lá ngón quá nhiều, nên em Xồng Bá D. đã tử vong trên đường chưa đến trạm cấp cứu, còn em Bá X. và Bá R. đã được cứu sống sau đó”, ông Thái cho biết.

Ở miền núi, lá ngón mọc nhiều nơi ở vùng đồi núi, cây có độc tính mạnh, là loại cây mà xưa nay bà con dân tộc thường sử dụng để tìm đến cái chết như một lối thoát. Mỗi cái chết đều có uẩn khúc, để lại trong lòng người sống nhiều suy tư, thậm chí dằn vặt dai dẳng.

Nhưng việc tìm đến cái chết bằng lá ngón của ba em học sinh tiểu học non nớt ở Nghệ An trên đây thực sự là một cú sốc đối với không chỉ thầy cô, bạn bè của các em mà còn khiến ngành giáo dục phải nghĩ nhiều hơn về công tác tư vấn học đường – vấn đề vốn thiếu và yếu lâu nay của ngành.

Trẻ em tiểu học, mới có 8 tuổi, chắc chắn vẫn thích đồ chơi, nhất là ở nơi xa xôi thiếu thốn như xã Na Ngoi, Nghệ An thì việc lấy mấy món đồ chơi (dù các em có thực sự lấy) có nghiêm trọng đến mức phải làm các em hoảng sợ mà tìm đến cái chết… Nếu như cô giáo có cách vừa hỏi vừa động viên, nhẹ nhàng trò chuyện để tạo cảm giác gần gũi, tin tưởng và yêu quý thì liệu các em có bị rơi vào tình trạng hoảng hốt như vậy? Đa số chúng ta khi thấy hành động khác thường, không ngoan của học sinh thì cho là cá biệt và xử lý trên hành động do học sinh gây ra mà quên là cần phải tìm cho ra nguyên nhân.

Cũng mới đây, việc học sinh Trần Đức Q., SN 2003, học lớp 9C, Trường THCS Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) bị cô giáo chủ nhiệm thu điện thoại khi cầm điện thoại di động trong giờ ra chơi và bị mời phụ huynh tới trường thì đã lo lắng đến mức nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất dẫn đến bị gãy chân phải, cả hai chân đều bị vỡ xương gót chân phải nằm điều trị tại bệnh viện đã khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn. Đây cũng là vụ việc mà dư luận đánh giá là có sai lầm trong phương pháp giáo dục.

Những biện pháp giáo dục từ thuyết phục đến xử phạt áp dụng với học sinh là cần thiết. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, mỗi giáo viên cũng cần được trang bị những kiến thức về tâm lý để có những phương pháp xử lý và giáo dục học sinh ở từng trường hợp cụ thể. Thậm chí giáo dục học sinh cá biệt không phải là vấn đề quá khó, chỉ cần giáo viên có kiến thức tốt về tâm lý và có sự chuẩn bị tốt với các tình huống sư phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá ngón

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO