Liên thông Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thương mại: Người dân được hưởng lợi

Khanh Lê 10/08/2019 07:00

Nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi cao nhất của người tham gia khi khám chữa bệnh, bên cạnh việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang nghiên cứu các gói dịch vụ y tế bổ sung với mức giá khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia. Điều này cho phép người dân khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hình thức bắt buộc và các loại hình thương mại khác vẫn cùng lúc được cộng hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện theo mức đáp ứng quyền lợi cao nhất.

Liên thông Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thương mại: Người dân được hưởng lợi

Người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng về quyền lợi.

Nhu cầu lớn

Theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nhu cầu được cung cấp các dịch vụ y tế cao cấp và chuyên sâu của người dân có thẻ BHYT là điều chính đáng. Thực tế cho thấy, nhiều người tham gia BHYT đang có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: Giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu... Tuy nhiên, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch vụ như khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục, chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (ngoại trừ cấp huyện)... Trong khi đó, với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, bảo hiểm y tế thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng. “Đây là sự khác biệt nhưng ở góc độ khác sẽ cho thấy sự tương hỗ trong chi trả quyền lợi người tham gia, nếu thực hiện được sự liên thông BHYT và bảo hiểm thương mại. Việc liên thông giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ giúp người dân có được những gói dịch vụ y tế đa dạng với quyền lợi hưởng cao nhất”- ông Phạm Lương Sơn nói.

“Về cơ bản, người tham gia bảo hiểm thương mại đóng 1 triệu đồng thì sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với BHYT, người bệnh đóng 100.000 đồng nhưng mức hưởng thì lại tuỳ thuộc tình trạng bệnh. Vấn đề cần nghiên cứu ở đây là làm sao tránh sự chồng chéo vì khi đã có một bên chỉ trả thì bên kia không thể chi trả...”- ông Sơn phân tích.

Bên cạnh đó, hệ thống BHYT và bảo hiểm thương mại đang hoạt động độc lập. Nếu duy trì một loại chứng từ, việc thanh toán sẽ triển khai ra sao khi cả hai bên đều cần chứng từ? “Để làm được điều nay, BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ cần thời gian để nghiên cứu sự thống nhất quy trình việc phân cấp, phân lớp thanh toán và trao đổi thông tin đầy đủ quyền lợi nhằm đảm bảo người bệnh được hưởng những quyền lợi cao nhất, từ đó có các quy định liên thông giữa hai bên nhằm giúp người bệnh có thể thụ hưởng quyền lợi cao nhất”- ông Phạm Lương Sơn cho biết.

BHYT thương mại sẽ tham gia BHYT xã hội như thế nào?

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Văn Khảm- Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho hay, sự hoạt động của doanh nghiệp BHYT thương mại không mới, và phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm cho trường hợp bị thương tật, tai nạn, ốm đau… Tuy nhiên, trong bối cảnh BHYT nhà nước chỉ đáp ứng dịch vụ cơ bản còn một loạt dịch vụ y tế khác nữa, người dân đang phải chi trả tiền túi, thì việc có mặt của BHYT thương mại vào BHYT nhà nước sẽ bù vào khoảng trống giữa BHYT nhà nước với chi phí thực tế. “Các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, Trung ương. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường”- ông Khảm nói.

Khi có hai nguồn BHYT nhà nước và BHYT thương mại (nguồn BHYT công - tư) sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Vì thế, điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn. “Hiện nay, trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Úc, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, các gói sản phẩm theo yêu cầu”- ông Khảm dẫn chứng.

Ông Khảm cho biết thêm, trong thời gian tới khi Luật BHYT chưa điều chỉnh, chưa thiết kế gói quyền lợi BHYT bổ sung thì sự tham gia của các doanh nghiệp BHYT thương mại là phù hợp, đóng góp vào cơ chế tài chính chung, bảo vệ người dân khỏi rủi ro về chi tiêu y tế khi không may mắc bệnh.

* Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người tham gia BHYT. Hết quý I/2019 đã có hơn 41,7 triệu lượt người khám chữa bệnh theo thẻ BHYT. Trong năm 2018, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với năm 2017 và đã có 838.483 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên thông Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thương mại: Người dân được hưởng lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO