Mất mùa, mất mạng vì chuột

Quốc Trung 19/07/2016 09:10

Do không ít hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi chuột bán cho quán nhậu, nhà hàng, chuột sổng ra, sinh sôi nảy nở dẫn đến tình trạng chúng thả sức tàn phá mùa màng. Nông dân đã dùng nhiều biện pháp để ngăn ngừa và tiêu diệt “giặc chuột”, nhưng đáng lo ngại là dùng cả điện để bẫy dẫn đến chết người.

Mất mùa, mất mạng vì chuột

Lợi bất cập hại

Đến Hậu Giang, dọc QL1A, ghé đoạn thị xã Ngã Bảy, dễ dàng nhìn thấy người dân bày bán chuột đồng tràn lan dọc hai bên đường. Người bán chuột cho biết, chuột được chở ra từ vùng Phụng Hiệp và Vị Thủy, Châu Thành A tới.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến hộ ông Đỗ Văn Giàu, tại ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, người có thâm niên nuôi chuột cả chục năm. Theo lời ông Giàu, nuôi chuột khá đơn giản, dễ nuôi, thu nhập cũng khá. Cứ 3 tháng là chuột sinh sản một lứa khoảng chục con. Chuột khá hôi nên vài ngày lại phải tắm rửa cho chúng, ông Giàu nói và cho biết, chủ yếu là cung cấp chuột thịt cho các quán ăn, nhà hàng các tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh ngoài Bắc cũng đặt hàng số lượng lớn. Có lúc hiếm hàng, giá chuột lên đến 70.000 đ/kg.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Bí thư xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho biết: Trước đây khu vực này cũng có nhiều hộ nuôi chuột đồng. Mô hình này cho thu nhập cao lại nhàn. Tuy nhiên do tình trạng quản lý không tốt nên chuột đã thoát ra phá hoại mùa màng nên chính quyền vận động người dân hầu như bỏ hết. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hộ nuôi dạng tự phát và nuôi ít chủ yếu cung cấp “mồi” cho quán nhậu lân cận nên rất khó quản lý.

Nuôi chuột và tiếp xúc với chuột rất dễ mắc các bệnh hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác. Theo nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM, người tiếp xúc với chất bài tiết của chuột hoặc bị chuột cắn thì có thể mắc một số loài virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây suy thận cấp. Virus Hanta gây sốt xuất huyết thể thận, với tỷ lệ tử vong từ 4-15%... Thật là một con số khủng khiếp!

Mất mùa, mất mạng vì chuột - 1

Người dân bán chuột tại đoạn thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang.

Chết người vì chuột

Không những lây nhiều loại bệnh, “giặc chuột” còn gây thiệt hại mùa màng cho người dân trồng lúa ở khu vực ĐBSCL. Một số huyện của tỉnh Kiên Giang đứng ngồi không yên khi “giặc chuột” tàn phá. Vụ hè thu năm nay, bà con ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang gieo sạ được gần 16.000 ha lúa hè thu sớm và hơn 20.000 ha lúa hè thu chính vụ. Ước diện tích thiệt hại do chuột cắn phá hơn 500 ha, trong đó, xã Phú Lợi bị chuột gây hại nhiều nhất với 380 ha, Vĩnh Điều 73 ha, Vĩnh Phú 60 ha…Được biết, người dân thường sử dụng các biện pháp ngăn ngừa như dùng lưới, hay dùng điện. Tuy nhiên cách này rất nguy hiểm đến tính mạng con người.

Đến huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, hàng trăm ha lúa của bà con bị chuột cắn phá dữ dội. Vừa trải qua đợt hạn mặn, nay lại đến nạn chuột cắn phá, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Tại ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, nghe bà Phạm Hòa Bình than thở: gần 2 ha lúa gia đình trồng được 40 ngày tuổi bị mất gần như hoàn toàn do chuột cắn phá. Giờ lâm nợ, chồng bà phải đi làm mướn kiếm tiền...

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đậm ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành cũng tương tự. 6 ha lúa bị chuột cắn phá hơn phân nửa. Số còn lại chỉ được vài giạ/công. Anh Đậm kể: Vụ hạn hán vừa qua đã bị thiệt hại, nợ còn chưa dứt, giờ vướng vào nạn “giặc chuột”, không biết làm sao trả được nợ ngân hàng.

Xót của, người dân đã sử dụng nhiều biện pháp để xua đuổi và tiêu diệt “giặc chuột”, trong đó nguy hiểm nhất là dùng điện để diệt chuột nên đã xảy ra án mạng đau lòng. Cụ thể cuối tháng 6-2016, anh Nguyễn Thanh Phong, 32 tuổi ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành ra thăm đồng, trượt chân dẫm vào đường điện, chết một cách oan uổng.

Ông Nguyễn Thành Được- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành cho biết: Chuột đồng một vài vụ gần đây rất nhiều. Dù thế thì bà con cũng không nên sử dụng điện để diệt chuột, vì khi xảy ra sự cố thì hậu quả là hết sức tai hại. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm gì để hạn chế nạn chuốt, câu hỏi ấy vẫn chưa được ngành chức năng và chính quyền đưa ra phương cách hiệu quả, bớt khó cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất mùa, mất mạng vì chuột

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO