Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế: Cần sự đồng lòng của toàn xã hội

Hà Nguyên - Lê Minh Long 20/06/2019 07:00

Với trách nhiệm và quyết tâm trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT. Nhờ đó các chính sách về BHYT đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội.

Đáng ghi nhận, nhận thức về việc tham gia BHYT là được người dân đón nhận và tham gia, nhờ đó tỷ lệ tham gia BHYT tăng dần theo từng năm.

Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế: Cần sự đồng lòng của toàn xã hội

Tham gia BHYT, người dân được hưởng lợi khi đi khám chữa bệnh.

Con số của sự nỗ lực

Mở rộng độ bao phủ tham gia BHYT được xem là mục tiêu đạt được nhiều đột phá nhất của ngành BHXH trong những năm gần đây. Nếu như năm 2015, số người tham gia BHYT chỉ là 69.972.000 người, chiếm tỷ lệ 76% dân số; thì đến tháng 6/2019, cả nước có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt 89% dân số, trong đó có 15,7 triệu người tham gia theo diện hộ gia đình, với tổng số thu đạt 22,2% kế hoạch Chính phủ giao.

Trong khi đó, tổng chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong toàn quốc là 22.697 tỉ đồng, với hơn 41,7 triệu lượt người KCB BHYT. Cũng trong năm nay, cả nước có 2.429 cơ sở KCB được ký hợp đồng KCB BHYT, tăng 113 cơ sở so với năm ngoái; tỉ lệ liên thông dữ liệu KCB BHYT trên toàn quốc đạt 97,82%. Kết quả này đã đạt vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2020 đạt hơn 85% tỷ lệ tham gia BHYT).

Cùng với kết quả trên, việc các cơ sở KCB thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ BHYT theo Nghị quyết số 18/2008/QH12, Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giao quyền tự chủ cho cơ sở KCB đã tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi đối với người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số. Số lượt người tham gia KCB BHYT tăng đều qua từng năm.

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2019, BHXH Việt Nam đã ban hành hàng loạt các kế hoạch, giải pháp để thúc đẩy tỷ lệ tham gia BHYT. Nhờ đó các chính sách về BHYT đã từng bước được đổi mới, gắn kết hơn với hệ thống an sinh xã hội, hướng vào phát triển con người, thực hiện công bằng xã hội.

Đáng ghi nhận, nhận thức về việc tham gia BHYT là được người dân đón nhận và tham gia, nhờ đó tỷ lệ tham gia BHYT tăng dần theo từng năm. Không chỉ dừng lại ở bằng những giải pháp chính sách, quản lý, BHXH còn ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tích cực quyên góp hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo năm 2019 với mục đích góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn được trích một phần từ nguồn kinh phí đóng góp 1 ngày lương của cán bộ, viên chức và người lao động Ngành BHXH để thực hiện các hoạt động xã hội tình nghĩa trong năm; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; các khoản thu hợp pháp khác. Những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tham gia BHYT được hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT bao gồm: người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; người thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình; học sinh, sinh viên…

Nhiều mô hình hay

Nhờ có sự chỉ đạo, định hướng kịp thời nhiệm vụ mở rộng độ bao phủ BHYT đã được các địa phương triển khai quyết liệt. Nhờ đó rất nhiều sáng kiến, mô hình hay được cơ quan BHXH các địa phương triển khai nhằm tăng diện bao phủ BHYT.

Tại Hà Nội theo lộ trình, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT đến năm 2020 đạt trên 90%, BHXH Hà Nội đã có nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT. Theo đó cùng với các điểm thu của BHXH thành phố, quận, phường xã thì các đại lý thu BHYT cũng được mở ra ở khu dân cư. Với lợi thế bám sát địa bàn, hằng ngày tiếp xúc với người dân, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT sẽ đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT ở cơ sở.

Từ đó, người dân dần được nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích, trách nhiệm của việc tham gia BHXH, BHYT và quyền được đảm bảo an sinh từ việc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, việc mở các lớp đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT là nhiệm vụ có tính chất lâu dài, cần được chú trọng. Trên cơ sở đó, góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từng bước hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia trên địa bàn Thủ đô.

Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê đến hết năm 2018, toàn tỉnh có gần 4.800 đơn vị với 967.870 người tham gia BHXH, BHYT, tăng hơn 47.800 người so với năm 2017. Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,6% dân số, vượt 5,8% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 90% dân số tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng như thực hiện chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng và mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh làm tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT và quản lý nguồn quỹ BHYT; tăng cường giám định chi phí khám, chữa bệnh, tránh hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT; làm tốt công tác đấu thầu thuốc; đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Còn tại Đắk Nông đã huy động các nguồn lực xã hội để tăng số người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Hiện tỉnh đang phấn đấu cuối năm 2019 có ít nhất 87,3% dân số tham gia BHYT. Theo đó, BHXH tỉnh Đắk Nông đã chủ động trong công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, đã phát động thi đua thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao. Do xác định rõ khó khăn, trở ngại nên BHXH tỉnh đã chủ động đa dạng hóa các giải pháp phát triển BHXH, BHYT.

Trong đó, coi đại lý bưu điện là kênh quan trọng trong vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2018, thông qua hệ thống đại lý bưu điện, tỉnh đã vận động được 614 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 449 người tham gia mới; 31.690 người tham gia BHYT hộ gia đình, trong đó có 10.916 người tham gia mới.

Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Công văn quán triệt và giao chỉ tiêu thu BHXH, BHYT năm 2019. Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa nội dung phát triển số người tham gia BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Trách nhiệm không chỉ của ngành BHXH

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, nhưng đến nay vẫn còn khoảng gần 14% dân số chưa tham gia BHYT và để duy trì được đối tượng tham gia là vấn đề đáng quan tâm và việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân đang đặt ra những thách thức lớn. Chất lượng KCB tại tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, đội ngũ y bác sỹ ở các tuyến xã, huyện còn thiếu nên việc nâng cao chất lượng KCB là một thách thức cho cơ quan y tế địa phương. Tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT vẫn diễn ra phổ biến, do nhiều nguyên nhân như: Phát trùng thẻ BHYT; Một số bệnh viện kê khống, lập bệnh án khống chi phí KCB; Bệnh nhân đã ra viện vẫn chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật để bệnh nhân được mang thuốc về nhà sử dụng…

Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện hiện vẫn còn hạn chế phần lớn tham gia BHYT với tư tưởng có bệnh hoặc khi được tài trợ, hỗ trợ mới mua. Chính vì vậy tính chủ động cũng như tính bền vững không ổn định nếu như không có sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cán bộ làm công tác BHXH.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, về mặt pháp lý cần nâng cao năng lực của cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển BHXH, BHYT xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, BHYT đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế: Cần sự đồng lòng của toàn xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO