Người Đan Lai hạ sơn

Điền Bắc 25/08/2019 07:04

22 hộ dân với 75 nhân khẩu thuộc tộc người Đan Lai đã rời vùng lõi nơi đại ngàn Vườn quốc gia Pù Mát về sinh sống tại khu tái định cư, đánh dấu mốc lịch sử đối với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như lực lượng biên phòng. Hy vọng, rồi đây tộc người này sẽ dần ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, hoà nhập với cư dân bản địa...

Người Đan Lai hạ sơn

Bản mới của người Đan Lai tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Vượt qua mọi khó khăn

Những ngày cuối tháng 7/2019, phần lớn các hộ gia đình thuộc tộc người Đan Lai ở 2 bản Búng và Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã chuyển đến nơi ở mới để bắt đầu một cuộc sống ổn định hơn tại khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, nơi có đầy đủ nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Một tộc người có lịch sử “trốn chạy” rồi sẽ an cư. Bà con tháo dỡ những vật dụng trong ngôi nhà vốn thân thương của mình để chuyển tới nơi ở mới. Toàn bộ tài sản của nhân dân đã được chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ tập trung vận chuyển ra tập kết tại Đồn Biên phòng Môn Sơn, chờ đến thời điểm để chuyển về Bá Hạ - Kẻ Tắt.

Trong thời gian chờ đợi, tất cả 75 nhân khẩu thuộc 22 hộ vẫn lưu lại tại các gia đình của người thân và bà con lối xóm. Ngày 30/7, khi con gà rừng cất tiếng gáy báo hiệu bình minh sắp đến, phần lớn các hộ gia đình ở bản Búng và Cò Phạt giữa đại ngàn Pù Mát đã sáng điện. Những phụ nữ trong các gia đình ở lại chuẩn bị bữa cơm sáng giản dị, đầm ấm tiễn người thân sang bản mới. Lúc này, ở trung tâm xã, lãnh đạo huyện Con Cuông, xã Môn Sơn, lãnh đạo đồn Biên phòng Môn Sơn, Vườn Quốc gia Pù Mát… chuẩn bị mọi việc hỗ trợ người dân di chuyển toàn bộ con người, tài sản, vật dụng của bà con đến nơi ở mới.

Nhiều tháng trước, khi được chính quyền địa phương vận động thực hiện chủ trương di dời về nơi ở mới, anh La Văn Điệp (sin năm 1982) phó bản Cò Phạt là một trong số các hộ tiên phong ký cam kết. Sáng bữa đó, anh đã dậy sớm cùng vợ con chào bà con dân bản, tự đi xe máy ra tập kết ở trung tâm xã. Anh Điệp cho biết: “Mình sang đó để được gần bố mẹ, anh em cho đông vui. Đi tham quan địa điểm định cư mới thấy đất sản xuất, đường sá đi lại, việc học hành của con cái… đều thuận lợi hơn. Vợ chồng mình sẽ cố gắng xây dựng cuộc sống ở Bá Hạ - Kẻ Tắt thật ấm no, phát triển bản mới cũng như ổn định cuộc sống”.

Được biết, vào năm 2007, bố mẹ cùng nhiều họ hàng của anh Điệp đã di dời về khu tái định cư tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, đến nay cuộc sống đã ổn định. Còn anh Lê Văn Nhị (sinh năm 1970) trú tại bản Búng tâm sự: “Lớn lên tại vùng lõi Pù Mát, nơi có cuộc sống hoàn toàn biệt lập, những lúc bệnh dịch hoành hành, tưởng như cả bản bị xóa sổ. Người dân trong bản khá hơn trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, do ruộng ít, dân số tăng nên cuộc sống vẫn còn khó khăn. Nên khi được vận động tái định cư về nơi ở mới thì gia đình mình đã đăng ký, tuy có nhớ bản làng nhưng mong rằng cuộc sống sẽ ổn định hơn”.

Riêng anh La Văn Tùng trú tại bản Búng, xã Môn Sơn vừa rưng rưng, vừa phấn khởi, ánh mắt anh thi thoảng ngoái lại nhìn nơi ở cũ đã gắn liền với anh từ thuở thơ bé. Anh tâm sự: “Nói đến tộc người Đan Lai chúng tôi, ai cũng nghĩ ngay đến một bản làng nằm trong vùng lõi Pù Mát, ngày xưa muốn đi ra đi vào, không có một phương tiện nào ngoài những con thuyền độc mộc, hay những bè nứa. Người dân bản mình tách biệt với bên ngoài. Nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền và bộ đội Biên phòng, chúng tôi được ra nơi ở mới, có điện, đường, trường, trạm, con em đi học thuận lợi hơn”…

Trong khi đó, em La Văn Sáng (sinh năm 2007) bản Búng, xã Môn Sơn vui mừng bởi đến nơi ở mới em sẽ được học gần nhà. “Năm nay em lên lớp 7, phải học nội trú ở Trường THCS Môn Sơn, cách nhà 20 km, đường sá đi lại khó khăn nên nhiều khi 2 tháng mới về nhà một lần, những lúc mưa lũ thì đành chịu. Trọ học xa nhà, sống xa gia đình, nhớ bố, mẹ và các em. Nghe bố mẹ nói, sang quê mới, được đi học ở trường mới lại gần nhà, thế là đỡ vất vả”. Ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn trăn trở và mong muốn dù có sang quê mới, mong bà con giữ lấy bản sắc văn hóa của tộc người. Ông Linh cho biết: Đợt này, bản ta có 11 hộ di dời sang nơi ở mới. Bà con dân bản gắn bó với nhau bao đời nay, giờ các hộ sang định cư ở quê mới, phải rời xa bản làng, xa nơi chôn nhau cắt rốn cũng thấy bịn rịn lắm. Những ngày qua, tôi cùng ban cán sự bản đến nhà các hộ dân di dời, vừa để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vừa sẻ chia, gần gũi với bà con những ngày cuối ở bản. “Sang nơi ở mới, mong bà con sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất để có một tương lai tốt đẹp”, ông Linh mong mỏi.

Người Đan Lai hạ sơn - 1

Thực hiện lễ cúng cầu mong bình an ở vùng đất mới.

Hứa hẹn tương lai tươi sáng

Đến nay, toàn bộ các gia đình với 75 nhân khẩu đã chính thức chuyển về khu TĐC Bá Hạ - Kẻ Tắt. Ngôi làng mới của 22 hộ gia đình Đan Lai tọa lạc ở khu vực khá bằng phẳng. Những ngôi nhà sàn vững chãi bằng bê tông, hệ thống điện, nước đều đã được dẫn về từng gia đình, trường học, nhà văn hóa cộng đồng… đều mới được tân trang lại. Nhìn bao quát tất cả rất khang trang, đẹp mắt, vừa ý của người dân. Ngay khi ổn định, tại trung tâm bản, người dân cùng các già làng làm lễ cúng nhập bản mới. Đây là nghi thức có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng đối với bà con dân bản, mọi thứ đều được chuẩn bị chu đáo, trang trọng.

Có mặt với bà con những ngày đầu chuyển về nơi ở mới, ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư huyện ủy Con Cuông nhấn mạnh: “Huyện Con Cuông cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án, tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng. Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ gia đình sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, mua sắm công cụ lao động, được cấp các loại giấy tờ liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp”. Đây là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội Biên phòng, Vườn quốc gia Pù Mát để tộc người Đan Lai ổn định cuộc sống.

Được biết, tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh. Theo lời kể của các già làng, dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân khi bị bắt phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Do không thể đáp ứng nên cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - bộ tộc mới mang tên Đan Lai ra đời từ đó. Họ trải qua hàng trăm năm với cuộc sống nơi rừng sâu khó khăn, cơ cực. Nay dự án tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt đã được xây dựng với diện tích quy hoạch 100 ha, trong đó 1,4 ha đất ở, 95,19 ha đất sản xuất, cùng nhà ở, công trình phụ trợ kèm theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Đan Lai hạ sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO