Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa giảm

Khanh Lê 13/08/2019 23:30

Sáng 13/8 tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tổng kết Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 và Kế hoạch đổi mới Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 578 vụ TNLĐ chết người, làm 622 người chết; khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động xảy ra 394 vụ TNLĐ chết người làm 417 người chết. So với năm 2017, số vụ TNLĐ chết người và số người chết trong khu vực có quan hệ lao động giảm lần lượt là 10,8% và 6,6%. Còn trong khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động lại tăng tương ứng là 57,6% và 59,16%. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim. Đáng lưu ý, năm 2018 đã xảy ra 17 vụ TNLĐ nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và làm bị thương nhiều người) tại các địa phương: Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Đắk Nông. TNLĐ xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, nổ lò, ngạt khí. Ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý, năm 2018 có 15 vụ đề nghị khởi tố, trong đó 3 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Thiệt hại về vật chất do TNLĐ gây ra theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong năm 2018 chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 1.494 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 5 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 127.034 ngày.

Về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,49%. Cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,56 % tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 9,64 % tổng số vụ; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 7,02 % tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 0,88 % tổng số vụ. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42 % tổng số số vụ. Còn lại 35,06 % là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác, khách quan khó tránh..

Xuất phát từ thực trạng trên, nhằm có những giải pháp hữu hiệu hạn chế TNLĐ tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; đánh giá Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 đã được phát động từ ngày 1 đến ngày 31/5/2019 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, bên cạnh những kết quả thu được thì những tồn tại cũng được chỉ ra. Đó là một số địa phương công tác chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc chưa được thường xuyên; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tham dự hưởng ứng tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được nhiều; các nội dung hoạt động hưởng ứng Tháng hành động trong khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động còn hạn chế. Một số địa phương vẫn để xảy ra tai nạn chết người trong Tháng hành động như: Hậu Giang, Hòa Bình, Nam Định, Kiên Giang, Lào Cai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO