Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’...

Bài ảnh: Trần Duy Hưng 14/03/2018 18:55

Không chỉ Nguyễn Trung Kiên, nhiều chiến sĩ hy sinh vào ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma cũng chưa từng biết đến bàn tay thiếu nữ. Họ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đến giờ, nhiều người trong số họ vẫn còn nằm đâu đó ngoài khơi.

Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’...

Lễ tưởng niệm 64 Liệt sỹ anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, được tổ chức trên boong tàu HQ 571 sáng ngày 7/5/2012, khi tàu đi qua vùng biển Cô lin - Len Đao - Gạc Ma.

Như nhiều làng quê khác ở Nam Định, qua mấy năm xây dựng nông thôn mới, làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) khang trang hơn hẳn. Cổng làng nằm ngay sát tỉnh lộ mới được xây dựng, dẫn vào con đường trục chạy giữa làng-song song với một con sông nhỏ-rộng đến vài mét, mặt trải bê tông...

Ngôi nhà chúng tôi tìm đến nằm sát đường làng, như nhiều ngôi nhà khác liền kề, khá khang trang. Khi chúng tôi đến, nhà chỉ có một phụ nữ trung niên đang lúi húi dưới bếp. Biết mục đích đến thăm của chúng tôi, bà cho hay, ông Cương, chồng bà đang bận bán hàng trên đền Trần (TP Nam Định), còn bà tên Đỗ Thị Phượng, chị dâu của liệt sỹ Nguyễn Trung Kiên, một trong 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong chận chiến bảo vệ Trường Sa cách đây 30 năm-người khi bước vào nhà chúng tôi đã nhìn thấy di ảnh trên ban thờ...

Hai lá thư của người lính trẻ

Loay hoay tìm trong tủ những gì được gọi là kỷ vật của người em chồng nhưng tìm mãi bà Phượng cũng chỉ tìm được hai lá thư, được anh Kiên viết, gửi về từ 30 năm trước, vào thời điểm trước khi anh cùng đồng đội lên tàu ra làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa. Không có nhiều kỷ vật để lại, nhưng những gì về liệt sỹ Nguyễn Trung Kiên lại khá đậm nét trong ký ức của người chị dâu.

Bà Phượng hồi tưởng: “Tôi và anh Cương, anh trai chú Kiên cưới nhau tháng 10/1985. Nhà tôi với nhà chồng ở cùng xóm. Chú Kiên lại chơi thân với em trai tôi nên trước khi về làm dâu tôi biết rõ gia cảnh nhà chồng. Nghèo lắm! Nhà tranh, vách đất, cái phích uống nước cũng không có! Cả thảy có năm anh em, bốn trai, một gái. Chị gái đi lấy chồng, hai anh trai một ở mãi Tuyên Quang, một ở Hà Nội. Bố mất sớm, khi ấy ở nhà chỉ còn mẹ già, vợ chồng tôi và chú út là chú Kiên. Lúc bố mất, chú Kiên mới được 7 tuổi...”.

Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’... - 1

Di ảnh Liệt sỹ Nguyễn Trung Kiên trên ban thờ của gia đình.

Kể thêm về người em chồng, giọng bà Phượng rành mạch hẳn lên: “Kiên ấy à, chú ấy hiền và tử tế lắm! Lại chịu khó nữa. Ngày ngày đi chăn vịt giúp mẹ. Rảnh rỗi lại lại vác cào đi đánh dậm, kiếm thêm con con cá, con tôm cho cả nhà. Từ khi tôi về làm dâu thì chú ấy phụ tôi làm hàng xay, hàng xáo bằng việc giã gạo...”.

Theo bà Phượng: “Tôi về làm dâu được mấy tháng, một hôm, vào dịp cuối năm, chú ấy rụt rè bảo tôi: hôm nay đi chợ, em nhờ chị mua cho em đôi quần đùi với đôi áo lót. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại sao mà phải mua nhiều thế? Chú ấy bảo, quần áo lót của em cũ quá rồi, mai em lại đi khám nghĩa vụ quân sự. Tôi càng ngạc nhiên hơn, bảo có thấy xã gọi chú đâu, vả lại chú mới 17 tuổi, đã đến tuổi đâu? Mà u có đồng ý không? Chú ấy bảo kệ, em tình nguyện nhập ngũ, đằng đâu cũng một lần đi...”.

Hôm ấy đi chợ, bán xong gạo, đong xong thóc bà Phượng mua cho cậu em chồng đôi quần đùi với đôi áo lót. Hôm sau, đi khám nghĩa vụ quân sự, anh Kiên mượn thêm cái quần của anh trai từng mặc trong đám cưới. Rồi anh Kiên ấy trúng tuyển. Khi được đơn vị phát quân phục, anh Kiên gửi trả lại anh cái quần. Qua Tết năm 1986, anh Kiên nhập ngũ, vào bộ đội hải quân.

Bà Phượng bùi ngùi, “giá như nhà có điều kiện thì khi chú ấy nhập ngũ cũng làm mấy mâm cơm để liên hoan tiễn chú ấy. Nhưng khi đó có đâu, thành thử chú ấy đi là cứ đi vậy thôi...”.

Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’... - 2

Bà Đỗ Thị Phượng, chị dâu Liệt sỹ Nguyễn Trung Kiên chia sẻ ký ức về Liệt sỹ.

Vẫn lời người chị dâu: “Chú ấy đi được mấy tháng thì ngày 24/8/1986 bão ập về. Nhà tranh, vách đất nên đổ cả. U với vợ chồng tôi lại hì hụi dựng lại. Một lần chú Kiên về phép. Khi ấy u tôi cũng đã già. Nhân dịp chú về, u tính mảnh đất gia đình đang ở sẻ chia đôi, phần vợ chồng tôi ở phía ngoài, phía trong để dành cho chú Kiên. Khi nào chú ấy hết nghĩa vụ quân sự, trở về, cưới vợ sẽ xây nhà cho chú ấy. Hôm chú ấy trở lại đơn vị, thấy chú ấy chững chạc lắm, nói với vợ chồng tôi: e vắng nhà, mọi việc, nhất là U, nhờ cả vào anh chị...”.

Cuối tháng 2 năm 1988, gia đình nhận được thư của anh Kiên gửi về. Thư đề ngày 27/2/1988, nơi viết là Đà Nẵng. “Trong thư, lời lẽ của chú ấy tình cảm lắm, hỏi thăm hết mọi người. Chú Kiên thông báo chú ấy mới nhận lệnh xuống đại đội, đi Cam Ranh, để chuẩn bị ra làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Chú ấy dặn khi ra đảo, không kịp viết thư về thăm thì mẹ và mọi người thông cảm và dặn riêng vợ chồng tôi đừng nói với u về việc chú ấy sắp ra Trường Sa, cứ bảo chú ấy vẫn công tác bình thường để u khỏi phải suy nghĩ, lo lắng...”, bà Phượng nhớ lại.

Ít ngày sau gia đình tiếp tục nhận được thư của anh Nguyễn Trung Kiên. Thư đề ngày 5/3/1988, nơi viết là Cam Ranh. Bà Phượng kể: “Lần này, ngoài thăm hỏi mọi người, động viên vợ chồng tôi như thường lệ, chú ấy cho biết 10h đêm ngày 4/3 chú ấy cùng đồng đội lên tàu ra Trường Sa. Nhưng khi đi được mấy hải lý thì tàu gặp sóng to, suýt bị lật, đến 3h sáng phải quay về. Như thư trước, chú ấy vẫn dặn vợ chồng tôi đừng nói cho u biết chú ấy phải ra làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa kẻo u lo lắng, cứ bảo chú ấy vẫn công tác bình thường. Chẳng là hồi ấy, đài thường đưa tin về tình hình căng thẳng ngoài Trường Sa nên ở quê cũng lo lắm! Chú ấy còn bảo, đợt này Hội Phụ nữ sẽ gửi quà cho các gia đình có con em ra làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa, anh chị cứ nhận nhưng đừng nói cho u biết lý do. Rồi từ đó gia đình không còn nhận được lá thứ nào nữa của chú Kiên...”.

Chưa từng cầm tay ai

“Vậy gia đình biết tin anh Kiên hy sinh trong hoàn cảnh như thế nào?” - tôi hỏi.

Vẫn lời bà Phượng: “Biết từ ông Út, bố đẻ tôi. Ông cụ hay nghe đài. Sáng ấy, cụ nghe, thấy đài nói rõ tên tuổi, quê quán chú Kiên. Ông lên nhà để báo nhưng không có ai ở nhà, u tôi ra đồng, chồng tôi thì đang ở ngoài xã làm bảo vệ, tôi thì đi chợ. Ngày ấy đã có điện thoại đâu để mà gọi. Không có ai ở nhà nên cụ ra đầu làng nói toáng lên là cu Kiên hy sinh rồi. Cả làng xôn xao. Đến trưa cả nhà mới có mặt đông đủ”.

Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’... - 3

Lá thư Nguyễn Trung Kiên viết, gửi về nhà từ Cam Ranh, trước khi lên tàu ra Trường Sa.

Nghe ông Út nói lại, cả nhà bà Phương thẫn thờ nhưng vẫn hy vọng ông Út nghe nhầm. Ít lâu sau thì gia định nhận được giấy báo anh Kiên hy sinh ngày 14/3/1988, ngoài biển Trường Sa, chưa tìm thấy thi thể. Sau đó xã cùng gia đình làm lễ truy điệu.

“Tìm mãi gia đình cũng thấy một tấm ảnh chú ấy mặc quân phục Hải quân, chụp cùng với chú Thuỷ quê bên làng Phú Ninh, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, rồi mang đi nhờ thợ sửa lại để dùng làm ảnh thờ...”.

Kể đến đây, bà Phượng rơm rớm nước mắt. Không khí ngôi nhà lặng xuống. Sau khoảnh khắc ấy, tôi hỏi: “Trước khi nhập ngũ, anh Kiên đã có bạn gái chưa?” Bà Phượng lắc đầu: “Làm gì đã có!”.

Câu trả lời của người phụ nữ nông dân nhẹ như gió thoảng. Không chỉ Nguyễn Trung Kiên, nhiều chiến sĩ hy sinh vào ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma cũng chưa từng biết đến bàn tay thiếu nữ. Họ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ vẫn còn nằm đâu đó ngoài khơi.

Trong số 64 Liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ cụm đảo Cô Lin -Len Đao - Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988, tỉnh Nam Định có 3 liệt sỹ, gồm: Phạm Gia Thiều, SN 1962, cấp bậc Thượng uý, Thuyền phó tàu HQ 604, quê xã Trung Đông, huyện Trực Ninh: Nguyễn Xuân Thuỷ, SN 1967, cấp bậc Hạ sĩ, chiến sĩ tàu HQ 604, quê thôn Phú Ninh, xã Phương Định (Trực Ninh) và Nguyễn Trung Kiên, SN 1968, cấp bậc Binh nhất, Chiến sĩ đơn vị E83, tàu HQ 604, quê thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (huyện Nam Trực).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng Ba - Gạc Ma: Những người lính chưa từng ‘cầm tay ai’...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO