Thiếu hụt nguồn nước: Khủng hoảng đang hiện hữu

Tuấn Việt 16/05/2017 10:30

Công trình thủy điện Pắc-Beng với 11 đập thủy điện bậc thang trên dòng chính sông Mê Kông tại Lào tiếp tục đẩy nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tại hạ lưu trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn nước tại nhiều nơi đang cạn kiệt. Ảnh: TL.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, toàn quốc có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, thuộc 108 lưu vực sông, với tổng diện tích trên 1.167 triệu km2. Tổng lượng nước mặt trung bình năm vào khoảng 830 tỷ m3 tập trung ở 8 lưu vực sông lớn là sông Hồng - Thái Bình, Bắc Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vũ Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và Mê Kông (Cửu Long). Trong đó, nguồn nước mặt sông Mê Công chiếm lượng lớn nhất khoảng 57% tổng số nước mặt toàn quốc.

Song có một thực tế, trong tổng số 830 tỷ m3, 63% nguồn nước mặt (khoảng 520 tỷ m3) có nguồn gốc ngoài biên giới quốc gia. Chỉ có gần 310 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam, tập trung ở các sông Đồng Nai, Cả, Ba, Vũ Gia – Thu Bồn. Đáng lo ngại hơn, số hồ chứa nước, đập thủy lợi của Việt Nam chưa thực sự tương xứng với lượng nước mặt, mới chỉ có trên 2.900 công trình, với tổng dung tích ngót nghét … 65 tỷ m3.

“Tài nguyên nước ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Đó là sự sụt giảm nguồn nước do nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Sụt giảm do hạn hán, thời tiết biến đổi khí hậu. Sụt giảm do nạn phá rừng trên diện rộng. Sụt giảm do nguồn nước bên ngoài vào Việt Nam ngày một thiếu… Chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dòng chảy vào mùa khô sẽ giảm 4,8% vào năm 2020, và khoảng 14,5% vào năm 2050. An ninh nước cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã và đang không được đảm bảo ở nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết.

Tương tự, nguồn nước ngầm tại Việt Nam cũng ngày một thiếu hụt. Nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau… mực nước ngầm đã xuống thấp hơn mức cảnh bảo. Trên bờ là nước mặt, dưới đất là nước ngầm, các chỉ số đang thiếu hụt báo động đỏ.

“Nguồn nước Việt Nam đang dần cạn kiệt. Thêm nữa, một dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông trong bối cảnh Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thủy điện trên sông Lan Thương với sức điều tiết lớn tiếp tục đẩy không chỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long vào nguy cơ thiếu nước. Đó chưa kể, thiếu hụt phù sa bùn cát sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người dân ở hạ du, làm sụt giảm nguồn lợi thủy sản và biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên… Ngay từ bây giờ, các giải pháp chia sẻ nguồn nước là thách thức thực sự với Chính phủ Việt Nam”, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhấn mạnh.

Bộ TN&MT cho biết, trong thời gian tới sẽ có đánh giá tác động luỹ tích, tác động dây chuyền, ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là tác động xuyên biên giới đối với các lĩnh vực, cả thượng, hạ nguồn, Đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá thiệt hại của các tác động do xây dựng và vận hành đập thuỷ điện Pắc-Beng và các đập khác trên dòng chính sông Mê Kông theo các phương án khác nhau. Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả với tác động kép của biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Mê Kông đối với đồng bằng sông Cửu Long theo các kịch bản khác nhau của tác động để phát triển bền vững…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu hụt nguồn nước: Khủng hoảng đang hiện hữu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO