Tuyến tàu cánh ngầm TP HCM - Vũng Tàu: Nguy cơ 'khai tử'

Đoàn Xá 14/11/2016 07:45

Là phương tiện đường thủy duy nhất hoạt động nhiều năm nay chạy tuyến TP HCM - TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng theo tin từ Chi cục đăng kiểm 6 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), toàn bộ 4 chiếc tàu cánh ngầm này sẽ hết hạn đăng kiểm vào cuối năm 2016.

Tàu cánh ngầm ở TP HCM có thể dừng sau 20 năm hoạt động

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp đầu tư cũng cho biết, sau khi hết hạn đăng kiểm đơn vị này cũng chưa có ý định đầu tư để thay mới các loại tàu cánh ngầm này vì hoạt động ế ẩm, hành khách rất ít.

Ông Bùi Công Trùng - Chủ tịch HĐQT công ty tàu cao tốc Vina, đơn vị đang hoạt động chở khách cho biết. Hiện nay hoạt động của tàu cánh ngầm đi Vũng Tàu vẫn hoạt động một cách cầm chừng vì ít khách.

“Những ngày cuối tuần thì vẫn có khách thường xuyên nhưng ngày thường rất ít. Tàu 150 chỗ mà thường xuyên trống ghế từ 10 đến 20 chỗ. Ngoài ra, việc dời bến tàu từ bến Bạch Đằng (Quận 1) sang bến Cảng Sài Gòn (Quận 4) xa trung tâm hơn cũng khiến cho lượng hành khách ít đi rất nhiều, chỉ còn bằng 60% so với trước đó”, ông tiết lộ.

Cũng theo ông Trùng, trước mắt công ty vẫn hoạt động bình thường đồng thời xem xét, làm đơn kiến nghị xin Chính phủ gia hạn thêm một khoảng thời gian hoạt động vì tàu vẫn còn tốt để tạo nguồn thu để tái đầu tư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại đây có 2 công ty đang hoạt động tàu cánh ngầm đưa đón khách là công ty Vina và Petro. Một trong những nguyên nhân khiến cho việc hoạt động kinh doanh tàu cánh ngầm không hiệu quả là bởi giá của các loại tàu này quá lớn.

Chi phí trung bình cho một chiếc tàu khoảng 150 chỗ là 8 triệu USD (lên đến gần 200 tỷ đồng), trong khi các loại phương tiện đường bộ với số hành khách vận chuyển tương đương lại rẻ hơn rất nhiều.

Đặc biệt, cũng do chi phí nên giá thành của các tuyến vận tải khách bằng đường bộ rẻ hơn rất nhiều. Trung bình giá của xe du lịch từ trung tâm Quận 1 (TP HCM) đi TP Vũng Tàu chỉ khoảng 100 ngàn đồng, chưa bằng một nửa so với giá vé của tàu cánh ngầm (từ 200 đến 250 ngàn đồng).

Đặc biệt, sau khi nhiều tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng, thời gian di chuyển đường bộ cho tuyến này cũng được rút ngắn đáng kể, chỉ khoảng từ 1h45 đến 2h.

Ngược lại, nếu di chuyển bằng tàu cánh ngầm, dù quãng đường chỉ ngắn bằng một nửa đường bộ nhưng thời gian cũng vận chuyển cũng lên 1h30 phút. Có thể nói, từ thời gian, giá cả và các dịch vụ liên quan khi so sánh giữa tàu cánh ngầm và các phương tiện đường bộ đều thua kém khiến cho việc hành khách dần ít lựa chọn phương tiện đường thủy này.

Theo một số hãng du lịch trên địa bàn thành phố, nhu cầu di chuyển bằng đường thủy từ thành phố tới Vũng Tàu vẫn khá nhiều. Việc ngừng chạy tuyến tàu này là khá đang tiếc vì đây là tuyến đường thủy du lịch trên 20 năm hoạt động.

Tuyến tàu này ngoài việc vận chuyển hành khách thì chính bản thân hải trình của nó cũng là một tua du lịch lý thú vì bắt đầu từ thành phố, hành khách sẽ được di chuyển dọc sông Sài Gòn, đi qua nhiều sông ngòi ở khu vực Rừng Sác (huyện Cần Giờ) cũng như tiếp cận điểm đến là TP Vũng Tàu từ phía biển.

Với việc được ngắm nhìn cảnh vật từ phía lòng sông, nhiều du khách cảm thấy thích thú hơn. Tóm lại, tuyến vận tải đường thủy này vẫn có nhiều cơ hội và có những ưu thế nhất định. Vì thế, việc dừng hoạt động này sẽ là rất đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyến tàu cánh ngầm TP HCM - Vũng Tàu: Nguy cơ 'khai tử'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO