Vật lộn trong tâm bão

Hạnh Nguyên - Điền Bắc 16/09/2017 07:10

Khoảng 9hsáng 15/9, cơn bão số 10 (Doksuri) chính thức đổ bộ vào Hà Tĩnh. Từng đợt gió kèm theo mưa rào cứ thế mạnh dần lên đã cướp đi hàng trăm ha nuôi trồng thuỷ sản của người dân nơi đây. Đến khoảng hơn 11h cùng ngày, gió trở nên mạnh khủng khiếp, những trận cuồng phong cứ thế gầm rít rồi quật ngã nhiều nhà cửa, cây cối, quật ngã cả tháp truyền hình cao cả trăm mét ở thị xã Kỳ Anh.


Người dân Hà Tĩnh vất vả sơ tán tránh bão. (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngập sâu trong nước

Tại bãi biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Sỹ Huyền - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: Chỉ sau ít phút kể từ khi bão vào một đoạn kè biển qua địa phương đã bị vỡ do triều cường dâng cao, phóng thẳng vào từng ngõ ngách thôn xóm rồi nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà trong biển nước. Ông Huyền nói: “Gió giật rất mạnh, sóng biển dâng cao 5-7m táp liên tục vào mép kè nên công tác ứng cứu tức thì chưa thể thực hiện được. Các lực lượng đang sẵn sàng các phương tiện, vật liệu để gia cố kè biển. Song, kể cả ô tô loại lớn cũng không có cách nào tiếp cận điểm kè bị sóng phá vỡ. Do vậy công tác khắc phục đành phải đợi cho đến khi ông trời bớt giận giữ”.

Sóng biển dâng cao, tấp vào bờ liên hồi như muốn cuốn phăng đi tất cả. Gió gầm rít quật ngã nhiều cây cối. Thống kê sơ bộ của UBND huyện Cẩm Xuyên: hàng chục làng mạc ở ven biển bị ngập nước. Tại các xã Cẩm Hà, Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, nước biển tràn qua đê khiến 20ha nuôi trồng thuỷ sản bị san phẳng, nhiều ngôi nhà bị tốc mái do gió bão cuốn đi.

Ông Dương Tất Thắng- phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: ít nhất đã có một người chết, nạn nhân là anh Trần Văn Lập (SN 1987) trú xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân. Anh Lập thiệt mạng do khi trèo lên mái nhà hàng để chằng chống đối phó với bão, bị gió quật trượt chân rơi xuống đất. Còn tại huyện Lộc Hà, nước từ sông Nghèn dâng cao đã làm ngập đường, cắt đứt giao thông giữa xã Hộ Độ với các địa phương khác.

Trước khi bão vào, Hà Tĩnh đặt kế hoạch phải di dời hơn 47.000 người đến nơi trú ẩn. Tuy nhiên, tính tới thời điểm 23h ngày 14/9, tỉnh mới đưa được 29.343 nhân khẩu tạm thời sơ tán khỏi những vùng xung yếu. Phải rất vất vả và nỗ lực tới 10 giờ sáng 15-9, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh mới di dời được 11.593 hộ với 43.556 nhân khẩu khỏi nơi nguy hiểm.

Hàng nghìn người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ ở khu vực ven biển, ven sông của tỉnh Hà Tĩnh được di dời tới nơi trú ẩn an toàn hơn để tránh bão. Họ quây quần bên nhau cùng gồng mình qua cơn bão dữ. Nhiều người, suốt đêm không ngủ, song với họ chỉ có một suy nghĩ, tính mạng con người là trên hết. Để động viên bà con, trong đêm 14/9, lãnh đạo huyện Thạch Hà đến một số điểm người dân đang trú ngụ thăm hỏi, động viên và cấp phát một số nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ tôm, nước uống... cho bà con.

Tới chiều 15/9, thống kê thiệt hại sơ bộ ở Hà Tĩnh: riêng huyện Cẩm Xuyên có 169 ngôi nhà bị tốc mái, 19 thôn với tổng số 3.150 hộ bị ngập sâu trong nước. Tại thị xã Kỳ Anh, rất nhiều nhà dân, trường học và công trình công cộng bị tốc mái; rất nhiều cột điện và tháp truyền hình bị bão quật ngã. Tuyến kè biển thuộc huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân bị triều cường phá nát ở nhiều điểm…

Để đối phó với bão số 10, Hà Tĩnh đã huy động 11.979 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 10.979 người thuộc lực lượng quân đội, 500 người thuộc lực lượng công an và 500 người thuộc lực lượng biên phòng cùng 30 ôtô các loại, 3 ca nô, 150 xe máy của cá nhân xuống cơ sở giúp các địa phương thực hiện việc di dời, phòng chống bão, thu hoạch lúa, hoa màu cho người dân.


Một số xã tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ngập trong biển nước. (Ảnh: Điền Bắc).

Sóng lớn đánh thẳng vào đê biển ở Nghệ An

Tính đến cuối giờ chiều ngày 15/9, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã có khoảng 100 căn nhà của người dân bị tốc mái, 20 ki-ốt dọc biển bị sập hoàn toàn. Mưa lớn trên diện rộng đã bao phủ Nghê An, nhiều tuyến đê biển lâm nguy.

Tại biển Cửa Lò, những ngọn sóng biển dữ dội, cao tới gần 10m. Nhiều quán xá ven biển sóng biển đánh tan. Khu vực lân cận bờ biển không một bóng người. Tại các huyện ven biển như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, nước biển dâng cao 3m, đánh thẳng vào đê biển khiến nhiều đoạn đê xung yếu. Một số tuyến đê biển ở các xã như Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa… huyện Quỳnh Lưu, phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Xuân thị xã Hoàng Mai cũng bị nước tràn qua vô cùng nguy hiểm.

Nguy hiểm hơn, tại đê chắn sóng xã Quỳnh Thọ, triều cường nước biển dâng cao áp sát chân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao. Nghiêm trọng, phía bên kia chân đê có 150 hộ dân đang sống với chiều dài 2,2km. UBND xã Quỳnh Thọ chỉ đạo dân quân tự vệ, công an và bà con nhân dân dùng cọc tre, bao tải cát đá để kè vào những đoạn đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An cho biết, đã ban hành Thông báo số 77 về việc vận hành hồ xả lũ hồ chứa Thủy điện Khe Bố. Theo đó, thời gian xả lũ được bắt đầu vào 00h30 phút ngày 16/9/2017. Lưu lượng xả từ 1.500m3/s đến 4.200m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua đập tràn và lưu lượng phát điện qua tổ máy). Được biết, tỉnh Nghệ An hiện có 625 đập, hồ chứa lớn nhỏ. Trong đó có 307 hồ chứa đã đầy nước số còn lại đạt mực nước từ 80 - 90%.


Bão đổ bộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình gây thiệt hại nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vật lộn trong tâm bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO