Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ

Tấn Thành - Chí Đại 29/06/2022 06:00

Nhiều ngư dân miền Trung, nhất là 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cho hàng loạt tàu cá gác bến nằm bờ vì xăng dầu liên tục tăng giá, giá nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ cũng tăng, còn hải sản đánh bắt được lại không tăng.

Giá xăng dầu tăng, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ, người dân lo lắng. Ảnh: Tấn Thành.

Sáng ngày 28/6 chúng tôi có mặt tại cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nơi đây rất tĩnh lặng, nhiều tàu thuyền đang nằm bờ. Ngư dân cho biết, việc xăng dầu tăng giá quá cao khiến tàu thuyền ít ra khơi.

Nóng như xăng dầu tăng giá!

Xăng dầu tăng giá đã trở thành câu chuyện thời sự rất nóng. Trong các hàng quán ăn, quán nước, ai cũng nói về giá dầu, giá xăng tăng cao, giá hải sản xuống thấp.

Ngư dân Huỳnh Ngọc Anh (55 tuổi), chủ tàu cá QNa 91617TS, hành nghề câu mực, trú xã Tam Quang cho biết, xăng dầu tăng giá liên tục nên những chuyến vươn khơi lỗ nặng, vì thế gần 3 tháng qua, ông phải cho tàu nằm bờ.

“Một tháng đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, tàu tôi tiêu thụ hơn 3.000 lít dầu, nhưng sản phẩm thu về chỉ được 150 triệu đồng, trong khi đó chi phí chuyến biển hơn 200 triệu đồng, chỉ có nước lỗ. Chính vì thế tôi quyết định cho tàu nằm ở âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang”- ông Anh nói.

Tương tự, ngư dân Trần Văn Lợi (56 tuổi), trú xã Tam Quang, thuyền viên tàu cá QNa 90457 TS cho biết, hiện giờ giá dầu diesel hơn 30.000 đồng/lít, gấp đôi so với năm 2021. Dầu tăng trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, sản lượng hải sản đánh bắt không đạt hiệu quả, chính vì vậy ra khơi toàn thua lỗ hoặc hòa vốn chứ không có lời.

Tại Quảng Ngãi, ngư dân Nguyễn Tấn Trường (31 tuổi), trú xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho hay: “Xăng dầu tăng liên tục. Hồi trước giá chỉ 12.000 đến 15.000 đồng/lít, giờ lên 30.000 đồng/lít. Như tàu của tôi ra khơi phải mất hơn 8.000 lít dầu diesel, giờ phải bù thêm hơn 20 triệu đồng tiền dầu và còn bao nhiêu thứ phải chi nữa”.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Vinh (28 tuổi), chủ tàu cá QNg 91346 TS nói: “Trước đây mỗi chuyến đánh bắt ở ngư trường, tàu tôi tiêu thụ khoảng 4.500 lít dầu cùng các khoản chi phí lương thực, thực phẩm tốn hơn 100 triệu đồng, nhưng nay chi phí dầu tăng cao cũng các khoản khác cộng dồn tăng lên hơn 200 triệu đồng/chuyến biển. Chưa nói ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, nên tôi đành cho tàu nằm bờ ở cảng cá Sa Kỳ”.

Tàu thuyền nằm bờ ở cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi).

Bà Trương Thị Châu - chủ cửa hàng xăng dầu ở cảng Sa Kỳ cho biết: Xăng dầu tăng giá liên tục nên rất ít tàu thuyền vào cảng nhập nhiên liệu, khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Hiện tại xăng E5RON92 tăng thêm 190 đồng/lít, từ 31.110 đồng lên mức 31.300 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 500 đồng/lít, từ mức 32.370 đồng/lít lên mức 32.870 đồng. Dầu diesel tăng 990 đồng/lít, từ mức 29.020 đồng/lít lên mức 30.010 đồng/lít. Dầu hỏa là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng.

Được biết, trước đây bình thường mỗi chuyến biển, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa họ thu về hơn 200 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ khoảng 100 triệu đồng, vì thế thuyền viên cũng có thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/chuyến biển. Nhưng giờ đây xăng dầu tăng giá cùng các chi phí tăng cao nên tình thế đã khác.

Hãy đồng hành cùng ngư dân

Thực tế, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân, như chương trình cho vay đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ; hỗ trợ ngư dân không may gặp nạn và hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh cá xa bờ... Thế nhưng việc xăng dầu và các nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ tăng giá liên tục, ngư trường cạn kiệt hải sản khiến cho ngư dân gồng gánh thêm những khó khăn.

Tại Quảng Nam có 4.155 tàu cá với tổng công suất 300.712CV, Quảng Ngãi có khoảng 5.600 tàu cá, trong đó huyện đảo Lý Sơn hiện có tổng số 472 tàu thuyền, tổng công suất 47.245 CV, trong đó có 120 tàu đánh bắt xa bờ.

Tại huyện này dân số hơn 21.000 người, trong đó đã có đến 70% dân số sống với nghề biển, với gần 3.000 lao động trực tiếp tham gia trên biển còn lại làm hậu cần nghề cá và các nghề liên quan. Xăng dầu tăng giá khiến bà con hết sức lo lắng.

Trong bối cảnh đó thật đáng trân trọng là còn nhiều ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, bởi vì với họ đó không chỉ là mưu sinh mà còn gìn giữ nghề truyền thống, giữ biển đảo cha ông để lại và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải quê hương.

Ngư dân Huỳnh Ngọc Anh nói về việc xăng dầu tăng giá.

Ngư dân Trần Văn Lợi nói: “Nhất định chúng tôi vẫn bám biển, nhưng phải tính toán số lượng thuyền viên, các nhu yếu phẩm để sao đó không được lỗ mới có thể ra khơi. Một phần là vì sự mưu sinh, nhưng lớn hơn, thiêng liêng hơn nơi ấy là vùng biển của cha ông để lại cho chúng ta”.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có hơn 670 tàu, thuyền có chiều dài 15m trở lên, còn 12m đến 15m, thì có hơn 720 chiếc tàu thuyền. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền ngư dân thực hiện tốt các chính sách của Trung ương; hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mười- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hơn 3.200 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết bất lợi, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút, giá bán thủy sản không ổn định, cộng với giá xăng dầu liên tục tăng cao... nên hiện có nhiều tàu thuyền của ngư dân phải tạm thời nằm bờ.

Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ là điều dễ hiểu, nhưng trong lúc này vẫn còn nhiều ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, tới những ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa hay Nhà giàn DK1... thật đáng trân trọng. Nhưng ngư dân cũng rất mong Nhà nước có nhiều chính sách hơn nữa hỗ trợ, đồng hành cùng với bà con để giảm bớt phần nào những khó khăn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Rất chia sẻ với bà con ngư dân khi giá xăng dầu tăng liên tục và trong thời gian qua chúng ta đã và đang hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Việc xăng dầu tăng giá thật sự đã gây khó khăn cho bà con ngư dân và những ngành nghề khác. Vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả Quốc hội đã kiến nghị. Trước tình hình này chúng ta khuyến khích ngư dân sử dụng máy móc hiện đại để tăng sản lượng khai thác, giảm bớt chi phí nhân công cũng như chi phí nhiên liệu. Chúng ta phải bằng mọi cách giúp bà con bám biển”.

Thành Đại(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO