Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch

Lê Bảo 06/12/2022 06:12

Để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, trước hết xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm rau an toàn từ quy trình canh tác đúng chuẩn cho đến khâu trung chuyển, mua bán. Bên cạnh đó cần củng cố lòng tin cho người tiêu dùng bằng những quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Nỗi lo gian lận nhãn mác

Đề cập đến chuỗi cung ứng nông sản sạch, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể, song không ổn định; tỷ trọng sản phẩm có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp. Đáng nói, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc đã được các cơ quan truyền thông phản ánh trong thời gian qua gây bức xúc cho người tiêu dùng (sản phẩm không đạt VietGap nhưng lại dán nhãn VietGap, tình trạng phát hiện mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm). Đáng chú ý, tình trạng gian lận thương mại của nhiều đơn vị khiến chính người tiêu dùng phải “hứng chịu” hậu quả.

Thực tế sau vụ việc rau sạch “dởm” gắn mác VietGap biến hình vào siêu thị tháng 9 vừa qua đã đặt ra rất nhiều trăn trở cho những người đang làm thực phẩm sạch, cho những tổ chức, cơ quan ban ngành có trách nhiệm trong việc kiểm soát đầu vào của thực phẩm.

“Thực phẩm hữu cơ, thực phẩm minh bạch đang rất nhỏ bé, bên cạnh “núi” thực phẩm không rõ nguồn gốc. Do đó các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch gần như thất thế trước thực phẩm không rõ nguồn gốc” - bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho biết.

Một số người tiêu dùng cho rằng, khi báo chí đăng tải thông tin về rau chợ “hô biến” thành rau VietGap đưa vào các hệ thống siêu thị, nhiều người nội trợ lại càng lung lay niềm niềm tin vào chất lượng các sản phẩm được chứng nhận hay sản phẩm phân phối trong hệ thống siêu thị.

Rau sạch, rau đạt tiêu chuẩn VietGap sẽ có giá bán đắt hơn nhiều so với rau thông thường, thế nhưng chất lượng thì chẳng biết lấy gì để đảm bảo khi thời gian qua một số công ty, đơn vị phân phối đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGap rồi bán cho siêu thị. Vì vậy, để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, nhiều siêu thị đang rà soát lại quy trình giám sát chất lượng các nhà cung cấp, để minh bạch chất lượng rau.

Đồng tình với việc này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần sự giám sát một cách trách nhiệm hơn nữa của nhà cung cấp, các siêu thị, cơ quan chức năng... để bảo vệ những đơn vị sản xuất rau chân chính và người tiêu dùng. Họ mất tiền thật thì phải được mua rau thật.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa phần tại các siêu thị quy trình kiểm soát, thẩm định đầu ra và đầu vào gồm rất nhiều bước: Từ đánh giá năng lực nhà cung cấp, kiểm tra truy xuất nguồn gốc, thẩm định chất lượng sản phẩm đến khâu test nhanh hoặc tái đánh giá, kiểm định lại chất lượng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện có khoảng 463.000ha cây trồng được chứng nhận VietGap. Trong đó, rau theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng trên 10%. Sở dĩ tỷ lệ thấp, chủ yếu ở các vùng nguyên liệu như Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TPHCM), Tây Bắc... là do chi phí để làm rau VietGap cao, trong khi giá bán không quá cao.

Cần có những giải pháp tạo điều kiện để các sản phẩm sạch, minh bạch có cơ hội tiếp cận thị trường.

Đưa doanh nghiệp đến gần người tiêu dùng

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho thấy, hiện có hơn 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm thực phẩm sử dụng. Đó là minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm…Nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong các cuộc khảo sát đều mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường…

Theo bà Minh cần có những giải pháp tạo điều kiện để các sản phẩm sạch, minh bạch có cơ hội tiếp cận thị trường, tham gia xúc tiến thương mại ở các sự kiện lớn. Qua đó, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận sản phẩm và bản thân doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận với thị trường. “Chúng ta cần quan tâm hỗ trợ về vốn vay cho các doanh nghiệp, như vậy sản phẩm sạch, minh bạch mới có cơ hội có mặt rộng rãi trên thị trường Việt Nam" - bà Minh đề nghị.

PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, thời gian gần đây, việc phát triển nông nghiệp sang hướng bền vững, tuần hoàn không chỉ được đẩy mạnh ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… với những cam kết rất mạnh mẽ. Để làm được điều này trước hết phải thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người phân phối và sau đó là người tiêu dùng.

“Chúng ta phải xóa được tình trạng người tiêu dùng không biết nguồn gốc thế nào, người nông dân không biết sản phẩm mình được phản hồi ra sao” - ông Bổng nhấn mạnh.

Còn theo bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chúng ta không thể sản xuất theo thói quen, có gì bán nấy mà phải nắm được thông tin, thị trường.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, hiện vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm sạch. “Tìm đầu ra cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch là câu chuyện đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân chúng ta vẫn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ” – ông Nghĩa nói đồng thời cho biết thêm, hiện nay chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thật sự đi vào cuộc sống thì đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 đang được dự thảo với các quy định chi tiết hơn.

Những năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc sản xuất VietGap, nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho nông dân. Tỉnh đã chứng nhận được 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại TP Uông Bí và Thị xã Quảng Yên. Giá bán cũng cao hơn từ 10 - 15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10 - 30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Đặc biệt, việc sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO