Xây dựng đời sống văn hóa và hệ giá trị Việt Nam

H.Vũ (thực hiện) 21/09/2015 09:15

Xung quanh vấn đề đời sống văn hóa, trao đổi với Đại Đoàn Kết, GS.TS Đỗ Quang Hưng- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho rằng, để văn hóa đi vào cuộc sống thì phải làm thế nào lôi cuốn người ta vào. Chính sách xã hội dở, kinh tế kém thì không ai quan tâm đến văn hóa chung chung. Phải biến tinh thần văn hóa vào trong tổng thể chính sách kinh tế xã hội của đất nước.

Xây dựng đời sống văn hóa và hệ giá trị Việt Nam

Lễ hội Đền Hùng.

PV: Thưa GS, ông nhận định như thế nào về bức tranh văn hóa hiện nay?

Xây dựng đời sống văn hóa và hệ giá trị Việt Nam - 1

GS Đỗ Quang Hưng. (Ảnh: Hoàng Long).

GS Đỗ Quang Hưng: Về mặt lý tưởng và lôgíc thì rất tốt, nhưng trên thực tế hiện nay văn hóa của ta cũng phản ánh phần nào khủng hoảng về tâm lý đạo đức. Sự suy thoái khá nặng cho nên ảnh hưởng đến văn hóa. Nhiều cái vẫn đang còn là mong ước, lý tưởng nhưng chưa phải là hiện thực.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những thành tố này, thành tố kia. Không ai phủ nhận nhưng nói một cách tổng thể thì những cái mà chúng ta nói trong nghị quyết là điều chúng ta muốn chứ chưa phải là như thế.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đã xác định phương hướng phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Vậy làm thế nào để văn hóa được lan tỏa, thưa GS?

- Chúng ta đã có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, khá sôi động, xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và tiên tiến. Cho đến giai đoạn hiện nay, Đảng vẫn giữ chủ trương ấy nhưng ở tầm cấp cao hơn. Trong đó có nhiều khái niệm mới.

Ví dụ làm sao tăng cường tính hiện đại của văn hóa hơn trong khi yêu cầu tính dân tộc là không thay đổi. Bây giờ các thiết chế văn hóa cũng phải thay đổi để làm sao có công nghiệp văn hóa.

Chính vì vậy văn hóa trên tinh thần mới là làm sao để văn hóa lan tỏa, khuếch tán rộng hơn nhưng đồng thời có chiều sâu hơn đi vào cuộc sống cộng đồng, dân tộc.

Các nước đều xác định hệ giá trị của mình để phấn đấu. Hệ giá trị quan trọng, then chốt của hoạt động văn hóa. Có thể tóm lại rằng, đường hướng, chiến lược, chỉ đạo về công tác văn hóa thì không thay đổi nhưng cái đích thúc đẩy cao hơn; trong đó văn hóa cao nhất là không phải một thứ giá trị trừu tượng mà nó phải đi vào cuộc sống để hệ giá trị Việt Nam được khẳng định, bồi đắp, hiện hữu ngay trong cuộc sống thường nhật của dân tộc và nhân dân mình.

Thưa GS, vậy làm sao để các giá trị văn hóa thực sự đi vào cuộc sống?

- Để văn hóa đi vào cuộc sống có nhiều biện pháp, trong đó biện pháp quan trọng nhất để cho văn hóa đi vào mọi người chính là toàn bộ đời sống xã hội, phải làm thế nào lôi cuốn người ta.

Nếu chính sách xã hội dở, kinh tế kém thì ai quan tâm đến thứ văn hóa chung chung. Phải biến tinh thần văn hóa vào trong tổng thế chính sách kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.

Khuyến khích, kiến tạo cho người dân có một định hướng chính trị tư tưởng và văn hóa đúng đắn đi theo một lộ trình phù hợp thì văn hóa mới đi vào cuộc sống, có sức hấp dẫn. Người ta phấn khởi thì người ta mới xây dựng và tự nhiên đi liền vào đó chính là lúc văn hóa mới đã đi vào trong mọi người.

Xây dựng con người Việt Nam về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, có trách nhiệm với xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật là vấn đề đang được đặt ra. Riêng văn hóa trong Đảng cần phải được thể hiện như thế nào, thưa GS?

- Theo tôi, đó là văn hóa chính trị tốt. Đó là diện rộng, còn diện hẹp thì có nghĩa là bộ phận hạt nhân. Đảng phải đi đầu, đáp ứng được văn hóa chính trị và cao hơn là đáp ứng được tư thế chính trị hiện nay của một Đảng cầm quyền.

Nói đến văn hóa trong Đảng đương nhiên là đụng đến vấn đề con người, vì hiện nay chúng ta rất coi trọng chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều mặt như phương diện tổ chức, phương diện tư tưởng... Nhưng cái rất quý chính là văn hóa Đảng cũng là một cách để chỉnh đốn Đảng.

Như vậy thưa GS, trong thời gian tới vấn đề văn hóa cần được đề cập như thế nào trong văn kiện Đại hội Đảng?

- Đặc tính của chính sách văn hóa khác đặc tính của các chính sách khác. Đó là tính lý tưởng rất cao, là cái người muốn hướng tới, là cái đẹp, cái tốt. Nó không thể giống kinh tế vì kinh tế không thể lãng mạn quá được mà phải cụ thể.

Đảng đã có ý thức và kinh nghiệm về việc đó thì chúng ta cũng cùng nỗ lực phấn đấu. Cũng phải hiểu rằng văn hóa là kết quả tổng hòa lại của tất cả các mối quan hệ xã hội, con người, rồi kinh tế - xã hội thì mới đúc lên được một nền văn hóa. Hay các chỉ số văn hóa mà ta đang mong thì chúng ta cùng kiên nhẫn và phấn đấu hướng tới, cũng như mỗi con người phấn đấu thanh lọc những gì không hay để vươn tới cái đẹp.

Cho nên không ảo tưởng, không quá đơn giản nhưng ngược lại cũng đừng quá hoảng hốt thất vọng vì văn hóa được hình thành cùng với cuộc sống của mình. Khi cuộc sống của ta khá hơn nữa, tốt hơn nữa thì tự nhiên văn hóa mà ta đang mong muốn ấy càng lan tỏa.

Trân trọng cảm ơn GS!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng đời sống văn hóa và hệ giá trị Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO